Hội nghị Triều Tiên tại Vancouver có khả thi khi vắng Nga, Trung Quốc?

Cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ không hài lòng khi không được tham dự hội nghị về Triều Tiên tại Vancouver.

Canada và Mỹ đang đồng chủ trì hội nghị các Ngoại trưởng tại Vancouver (Canada) để bàn bạc thêm về vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson (trái) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tại hội nghị (Ảnh: Vice).

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson (trái) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tại hội nghị (Ảnh: Vice).

Hội nghị kéo dài hai ngày này được cho là sẽ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả chiến dịch của Mỹ nhằm "gây áp lực tối đa" lên Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện dấy lên những hoài nghi về tính thiết thực của cuộc họp khi vắng bóng Nga và Trung Quốc - hai đối tác chủ chốt trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Hội nghị gồm nhiều phiên thảo luận theo các chủ đề như: Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hóa, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, nội dung ưu tiên đưa ra bàn thảo kỹ vẫn là các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả những lệnh trừng phạt được Liên Hợp Quốc mới được thông qua, bao gồm tăng cường hạn chế cung cấp xăng dầu cùng các mặt hàng khác cho Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng, Mỹ đang tranh thủ hội nghị lần này để tiếp tục kêu gọi gia tăng áp lực lên Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại hội nghị đã hối thúc cộng đồng quốc tế phải tăng “cái giá” mà Triều Tiên phải trả cho hành vi của mình, đến mức chính quyền Bình Nhưỡng phải bước vào bàn đàm phán để tiến hành những cuộc thảo luận đáng tin cậy.

Ủng hộ quan điểm cứng rắn của Mỹ, giới chức ngoại giao Nhật Bản cho rằng, hiện không phải thời điểm để giảm bớt sức ép lên Triều Tiên liên quan tới vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono còn khẳng định, việc Triều Tiên tiến hành đối thoại có thể được xem như bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, việc hội nghị chủ yếu quy tụ những quốc gia hỗ trợ Hàn Quốc trong Triều Tiên (1950 - 1953), hơn nữa sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc đang khiến giới ngoại giao đặt nghi vấn liệu các bên có thể tìm được một giải pháp ngoại giao toàn diện cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hiện đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng lý giải vì sao hai quốc gia có vai trò rất lớn trong vấn đề Triều Tiên như Nga và Trung Quốc lại không có tên trong danh sách khách mời.

Trung Quốc- đồng minh duy nhất, đối tác thương mại chính của Triều Tiên, chỉ trích hội nghị tại Vancouver là “không hợp pháp”, mang tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh khi thiếu đi sự góp mặt của những trung gian đàm phán quan trọng, và rằng điều này chỉ gây chia rẽ cộng đồng quốc tế, cũng như đe dọa nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng sẽ là không thể chấp nhận được khi các quan chức Nga và Trung Quốc chỉ được mời đến nghe thông báo kết quả bế mạc hội nghị.

Rõ ràng việc nổi lên những tranh cãi xung quanh hội nghị về Triều Tiên đang diễn ra tại Vancouver khi thiếu đi các “ông lớn” như Nga và là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng các nhà quan sát vẫn cho rằng, thời điểm này cần nhìn nhận những tín hiệu dù nhỏ nhoi nhưng tích cực xuất hiện gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Bởi lẽ hội nghị diễn ra giữa lúc xuất hiện những tín hiệu khả quan trong quan hệ liên Triều với việc hai bên lần đầu tiên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm đình trệ và Triều Tiên đang có kế hoạch cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 16/1 nhấn mạnh những động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng gần đây giữa hai miền Triều Tiên là những dấu hiệu rất quan trọng.

Ông Guterres nói: "Tôi cảm thấy được khích lệ bởi những quyết định gần đây của Triều Tiên về việc tham gia Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc. Chúng ta cần phải gây dựng trên những tín hiệu hy vọng nhỏ nhoi này và mở rộng những nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình trong bối cảnh an ninh chung của khu vực. Tôi hoan nghênh việc mở lại các kênh liên lạc giữa hai miền Triều Tiên, đặc biệt là giữa quân đội hai nước. Đây là một cánh cửa mở ra cơ hội và chúng ta không nên bỏ lỡ nó.”

Mặc dù bày tỏ tin tưởng Bán đảo Triều Tiên "có thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh", song nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này vẫn cho rằng "hòa bình là điều chưa thể đảm bảo". Do vậy, theo ông Guterres, điều quan trọng nhất hiện nay là các bên cần sớm tiến hành đàm phán nghiêm túc để cùng nhau tìm biện pháp giải trừ hạt nhân.

Quan điểm này một lần nữa khẳng định lại nhận định mà giới phân tích từng nhiều lần đưa ra trước đó rằng bất luận tình hình trên bán đảo Triều Tiên xoay vần ra sao, giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán vẫn là cách thức khả thi duy nhất./.

Nguyễn Phương Anh/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-trieu-tien-tai-vancouver-co-kha-thi-khi-vang-nga-trung-quoc-719897.vov