Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống COVID- 19

PTĐT - Sáng ngày 17/3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; đại diện cơ quan, đơn vị liên quan.Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp song với sự vào cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của toàn dân, công tác phòng chống dịch đạt được kết quả cao. Cả nước đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Đến nay cả nước ghi nhận 2.560 trường hợp mắc COVID-19, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (chiếm 85,4%), 339 ca đang được điều trị; tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 1,4%. Để tăng cường phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã có Nghị quyết 21/NĐ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Đến nay Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai thực hiện mua và nhận vắc xin của nước ngoài để tiêm chủng cho người dân, trước mắt sẽ ưu tiên tiêm chủng cho 11 nhóm đối tượng theo quy định. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước nhằm chủ động nguồn cung.

Các đại biểu theo dõi nội dung hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Phú Thọ

Các đại biểu theo dõi nội dung hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Phú Thọ

Đối với tỉnh Phú Thọ, công tác phòng chống dịch COVID-19 luôn được đặt lên hàng đầu với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức của nhân dân. Toàn tỉnh đã thành lập 6.184 tổ COVID-19 cộng đồng, triển khai thực hiện 3.308 điểm kiểm soát dịch bệnh thông qua khai báo y tế QR-code; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch… Từ đó đã phát huy tốt hiệu quả công tác giám sát, phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, người trở về từ vùng dịch không tuân thủ cách ly y tế theo quy định… Từ đầu năm 2021 đến nay trên toàn tỉnh chưa phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, công tác cách ly đối với các đối tượng nghi nhiễm và các F1, F2, F3 được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, bám sát kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của cả nước, tỉnh đã triển khai kế hoạch, rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đảm bảo đúng quy định.Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, nhất là thời gian tới sắp diễn ra nhiều sự kiện lớn, trọng đại của đất nước đồng thời nhấn mạnh: Các bộ ngành Trung ương và địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Trước mắt cần chủ động trong trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch. Để thực hiện tốt mục tiêu kép thì cả nước phải tích cực thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng như: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, hạn chế hội họp, tăng làm việc trực tuyến...; có các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt là trong hoạt động du lịch và hàng không. Các địa phương chủ động phòng chống dịch, ứng phó với các cấp độ của dịch theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện nghiêm biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng (người cao tuổi, người có bệnh nền). Cần xác lập một số biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, bắt buộc phải cài ứng dụng khai báo y tế, truy vết đối với một số đối tượng như các trường F1, F2, người có nguy cơ lây nhiễm bệnh và có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.Cùng với đó, cần chủ động tích cực thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu sản xuất, mua vắcxin, thực hiện các biện pháp tiêm phòng, nhất là các nhóm đối tượng ưu tiên. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài; chuẩn bị chu đáo để từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp với khả năng phòng chống dịch, bảo đảm an toàn, thúc đẩy giao lưu quốc tế. Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế, nhất là tại các địa phương không có dịch. Hoàn thiện các quy trình đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh tế xã hội, tổ chức các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là các đối tác lớn. Có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh…

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-noi-bat-trong-tinh/202103/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-phong-chong-covid-19-175864