Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020
Chiều 15 - 5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020.
Các đại biểu tại đầu cầu Thanh Hóa.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban Cấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, đồng chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các ngân hàng và tổ chức quốc tế hỗ trợ và đồng hành với công tác PCTT&TKCN tại Việt Nam…
Tại đầu cầu Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các đơn vị liên quan của tỉnh cùng tham dự.
Theo Báo cáo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2019, cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai. Một trong những vụ điển hình nhất là trận mưa lớn trên 400mm vào ngày 3 – 8 – 2019 đã gây lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa, làm 51 hộ dân của bản bị sập và cuốn trôi. Thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích trên cả nước, hơn 1.300 ngôi nhà bị đổ và cuốn trôi, hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả… bị gãy đổ. Tổng thiệt hại lên đến hơn 7.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá trên diện rộng, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tình hình thiên tai đã làm 11 người chết và mất tích; hơn 44 nhà bị sập, đổ, hư hại, tốc mái; hơn 100 nghìn ha lúa và hoa màu hư hại. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; các cơ bão sẽ tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam; lũ ở các sông ở Bắc bộ, Trung bộ có thể lên mức báo động 3…
Tại Thanh Hóa, năm 2019, thiên tai đã đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, sản xuất, cơ sở hạ tầng và môi trường, làm 19 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương, 1.872 ngôi nhà bị thiệt hại, hơn 4.100 nhà bị ngập, hơn 2.000 hộ phải di dời khẩn cấp. Cùng với đó, 69 điểm trường học bị ảnh hưởng, hơn 15.700 ha cây trồng bị thiệt hại, hơn 36.200 gia súc, gia cầm bị chết, hàng trăm công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng… Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Thanh Hóa đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống từ đầu năm; đồng thời kịp thời ứng phó, có những giải pháp khắc phục hậu quả ngay khi có thiên tai.
Tại hội nghị, các đại biểu Trung ương và đầu cầu các tỉnh, thành phố đã nêu và phân tích các giải pháp PCTT&TKCN đã triển năm 2019, từ đó đúc rút những kinh nghiệm, những tồn tại và đưa ra những giải pháp hợp lý hơn cho năm 2020.
Phát biểu tại đầu cầu Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã khái quát thực trạng hệ thống đê điều, hồ đập của tỉnh; diễn biến thiên tai và công tác khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh thời gian qua. Về các giải pháp PCTT&TKCN thời gian tới, đồng chí đã đưa ra một số kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các bộ, ngành liên quan. Theo đó, công tác dự báo lượng mưa cần được triển khai trên diện rộng hơn, cả sang một phần nước bạn Lào, bởi nhiều trận lũ ống, lũ quét đều do lượng nước lớn từ Lào về nhưng tỉnh không có được những thôn tin lượng mưa bên phía bạn. Với công tác tuyên truyền về PCTT&TKCN để người dân nâng cao cảnh giác, tự chủ động phòng tránh, cần đưa cả việc tuyên truyền vào trường học; nhà nước cũng cần xây dựng các trung tâm giáo dục PCTT&TKCN như nhiều quốc gia đã triển khai. Trong TKCN, nhất là trên biển, cần hiện đại hóa, trang bị các phương tiện đủ điều kiện cứu hộ trong mưa bão, gió lớn. Trong đầu tư công trình PCTT, nên quan tâm hơn đến hệ thống đê biển, âu tránh trú bão tàu thuyền…
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của toàn dân, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các bộ ngành, các cấp trong PCTT&TKCN. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cám ơn sự giúp đỡ, đồng hành của Ngân hàng Phát triển Châu Á và các tổ chức quốc tế trong những năm qua. Về các giải pháp, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để tổng hợp, triển khai trên thực tế. Về các giải pháp PCTT&TKCN năm 2020, đồng chí yêu cầu các cơ quan, các bộ ngành trung ương và các địa phương triển khai nhiều nhóm giải pháp cụ thế theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm giải thiểu những thiệt hại. Trong quá trình thực hiện, cần xây dựng phương án cụ thể, không chủ quan, có sự ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường công tác tuyên truyền – truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng; tất cả phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, được triển khai nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả…