Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 34

Chiều 19/10, Ban Điều hành Đề án 1309- Giáo dục quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các thành viên Ban Điều hành Đề án 1309-Giáo dục quyền con người; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó, Chỉ thị 34 đã chỉ rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.

Đẩy nhanh tiến độ biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông, tài liệu chuyên khảo, tham khảo về giáo dục quyền con người. Tổ chức rà soát chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy dùng ở các cấp học để tiếp tục đề xuất triển khai các nội dung phù hợp với nhiệm vụ Đề án.

Tiếp tục tổ chức chỉ đạo rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối các trường luật, hành chính, nội chính; các trường đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình, tài liệu về quyền con người lồng ghép vào chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện và tổ chức phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng. Rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống chương trình giáo dục, trong đó nghiên cứu lồng ghép đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục các cấp trong Công an nhân dân cho phù hợp.

Tích cực tuyên truyền, quảng bá cho cộng đồng quốc tế về kết quả triển khai thực hiện Đề án 1309. Tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về quyền con người cho các tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong toàn quốc…

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện Chỉ thị 34. Đồng thời, các đại biểu đề xuất hỗ trợ kinh phí biên soạn tài liệu, giáo trình và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên các cấp học trong thực hiện giáo dục quyền con người tại các cơ sở giáo dục quốc dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị; sớm có văn bản hướng dẫn đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục; thêm kiến thức liên ngành về giáo dục pháp luật về quyền con người. Tăng cường các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Kết nối giữa gia đình - nhà trường - xã hội về giáo dục nhân quyền...

Phát biểu kết luận hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đề nghị: Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, các Bộ, ngành, địa phương cần hiểu rõ đối tượng trong giáo dục quyền con người để xây dựng giáo trình, biên soạn nội dung, xây dựng bộ học liệu phù hợp.

Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, trong đó về lâu dài cần đào tạo đội ngũ giảng viên cho giáo dục quyền con người, giảng viên có năng lực hướng dẫn cho giáo viên các trường phổ thông.

Rà soát kế hoạch triển khai, chú ý việc phân công công việc trong thực hiện Đề án 1309 ở các đơn vị. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện Đề án. Công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính thực hiện Đề án. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả, kinh nghiệm triển khai Đề án 1309 nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ.

Hồng Vân- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-trien-khai-chi-thi-34/d20221019172316954.htm