Hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc
Sáng 3.12, tại tỉnh Lai Châu, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Trung du miền núi phía bắc về phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Vùng Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng là 5.731.460 ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng cả nước, trong đó rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha. Diện tích rừng trồng đạt 1.796 nghìn ha, bằng 40,8% diện tích rừng trồng cả nước. Tổng trữ lượng rừng toàn vùng đạt 381.896 triệu m3 gỗ và 4.213 nghìn cây tre nứa… Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm, do đó nhu cầu nguyên liệu gỗ cũng tăng cao, từ đó khuyến khích phát triển trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi và làm giàu rừng. Theo thống kê năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm, chiếm 38,5% sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung của toàn quốc. Các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, chiếm trên 12,7% số doanh nghiệp của cả nước. Hiện nay, đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng giá trị của nguyên liệu một số loài lâm sản ngoài gỗ ước đạt khoảng 3.361 tỷ đồng/năm…
Đối với Hà Giang, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh có trên 576.000 ha, riêng rừng tự nhiên có hơn 381.000 ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất có thể phát triển kinh tế dưới tán rừng khoảng 100.000 ha. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị triển khai trồng nhiều loại cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Thảo quả, Lan kim tuyến, sa nhân tím, quế, hồi... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 7 khu rừng đặc dụng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích giải pháp phát huy giá trị kinh tế dưới tán rừng giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Cần nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng; Quan tâm phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị; Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế; Xây dựng thương hiệu cho lâm sản; Tích hợp các giá trị của rừng với giá trị văn hóa; Lồng ghép thực hiện phát triển kinh tế dưới tán rừng với các chương trình phát triển KT - XH của địa phương, vùng và quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh hệ sinh thái rừng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật...