Hội Nông dân huyện Gò Công Đông: Góp phần nâng cao đời sống người dân
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tích cực triển khai nhiều chương trình, phong trào vận động nông dân phát triển nông nghiệp bền vững và tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cũng như giảm nghèo bền vững. Qua đó đã tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.
TRIỂN KHAI NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH
Theo đó, Hội Nông dân huyện Gò Công Đông đã phát động mạnh mẽ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào này không chỉ giúp các hộ nông dân nâng cao thu nhập mà còn xây dựng tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến nông, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, cũng như cung cấp các thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Các câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” đã được thành lập để tạo nền tảng liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ. Trong quý III-2024, huyện đã triển khai kế hoạch thi đua chuyên đề với sự tham gia của đông đảo nông dân. Kết quả cho thấy, 913 nông dân đã đăng ký tài khoản để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, vượt chỉ tiêu 190,2% so với kế hoạch đề ra.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản xuất, huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ các hộ khó khăn thoát nghèo thông qua việc hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng sản xuất. Phong trào này giúp nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu một cách bền vững.
Trong quý III-2024, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức 11 lớp dạy nghề cho 356 học viên với các nội dung như: Trồng cây kiểng, chăn nuôi dê, trồng nấm rơm, may công nghiệp. Tính đến nay, đã có tổng cộng 14 lớp dạy nghề được tổ chức cho 456 học viên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sản xuất của nông dân.
Ngoài ra, Hội cũng chú trọng đến việc tư vấn và hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, giúp hội viên có nguồn lực phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện là 4,949 tỷ đồng. Các nguồn vốn hỗ trợ cụ thể như: Vốn Trung ương ủy thác, thực hiện 2 dự án tại xã Tân Điền và thị trấn Vàm Láng, cho 31 hộ vay với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.
Vốn tỉnh ủy thác, thực hiện 4 dự án tại các xã: Tân Đông, Tân Thành, Bình Ân, Tân Phước, hỗ trợ 66 hộ vay với 1,777 tỷ đồng. Vốn huyện và xã quản lý, đang triển khai 853 khoản vay với tổng số tiền 4,408 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và chính sách khác.
Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã tích cực vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Trong quý III, Hội đã ra mắt 1 Tổ hợp tác trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Ân với 6 thành viên.
Các tổ hợp tác này không chỉ giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới mà còn mở ra cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi tập huấn, cung cấp thông tin về thị trường và giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi mới, nhờ đó mà nông dân có thể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã tích cực đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao đã được triển khai rộng rãi, điển hình là vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500 ha tại các xã: Phước Trung, Bình Ân, Tân Thành và Bình Nghị; mô hình “Sản xuất lúa 1 phải, 5 giảm theo hướng hữu cơ” với diện tích 440 ha tại các xã Tân Điền, Tân Phước.
Ngoài ra, mô hình sản xuất dưa hấu theo hướng hữu cơ và an toàn thực phẩm tại xã Tân Thành cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện đã đạt sản lượng nuôi tôm thẻ 1.470 tấn và khai thác biển đạt 58.552 tấn thủy sản trong 9 tháng năm 2024. Các tiến bộ kỹ thuật đã giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng, từ đó cải thiện đời sống của ngư dân.
Nhằm giúp nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn hơn, Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Các sản phẩm chủ lực như: Trái sơri ngọt, ruốc sấy, lạp xưởng; Điểm du lịch Vườn xanh; khô cá phèn, khô cá đuối và khô mực được Hội phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024...
NÔNG DÂN GIỮ VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của nông dân, Hội Nông dân huyện đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Những kết quả này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của nông dân trong huyện như hộ anh Nguyễn Văn Dũng và chị Võ Thị An (ngụ Ấp Bắc 1, xã Tân Điền), trước kia vợ chồng rất nghèo, nhà không có ruộng đất để canh tác, vợ chồng anh Dũng quanh năm làm thuê, làm mướn để nuôi 3 đứa con và mẹ già bệnh tật.
Năm 2018, anh Dũng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, anh đầu tư xây chuồng trại, mở rộng nuôi bò và đóng chuồng nuôi thêm dê và thuê đất trồng cỏ làm thức ăn.
Để tiết kiệm nguồn cỏ, anh tích góp mua máy xay cỏ cho bò, dê ăn. Đến nay, cuộc sống của gia đình anh Dũng ngày càng được cải thiện, con gái lớn học đã ra trường và có việc làm ổn định. Năm 2020, gia đình đã thoát nghèo.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như xây dựng tuyến đường hoa, trồng 5.875 cây xanh và vận động nông dân hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
Huyện đã chú trọng vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các xã. Những hoạt động này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn tạo điều kiện cho huyện tiếp tục đạt được những tiêu chí cao hơn trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi, phát triển thêm mô hình kinh tế tập thể; đồng thời, tiếp tục đào tạo nghề và hỗ trợ vốn cho nông dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; tiếp tục vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Với những nỗ lực không ngừng, Hội Nông dân huyện thực sự là cầu nối quan trọng giữa nông dân và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao đời sống của bà con nông dân, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện nhà.