'Hồi sinh' người chết nhờ AI: Dịch vụ đang bão đơn nhưng gây nên nhiều tranh cãi
Dù được yêu thích rộng rãi song dịch vụ này lại đang gây nên nhiều tranh cãi về mặt đạo đức.
Với sự phát triển của AI, công nghệ “hồi sinh” người quá cố nhờ AI đang ngày càng trở nên phổ biến.
Tại Trung Quốc, trước thềm tiết thanh minh năm nay, các đơn đặt hàng dịch vụ “AI hồi sinh người thân” đều tăng mạnh. Trương Dịch Vĩ - người phụ trách một nhóm chuyên làm các sản phẩm AI tại Nam Kinh cho biết, tính đến đầu tháng 4 năm nay, họ đã hoàn thành hơn 1.000 đơn hàng tương tự.
Tùy theo nhu cầu của khách hàng, mức phí cho mỗi đơn hàng dao động từ 5.000 NDT (17,5 triệu đồng) đến 10.000 NDT (35 triệu đồng).
Hình minh họa
Theo kinh nghiệm của anh Vĩ, khách hàng của anh thường chia làm 2 kiểu. Một là trong nhà có người thân qua đời, họ sợ ông bà, bố mẹ cao tuổi sẽ bị sốc tâm lý và không thể chấp nhận được thực tế. Vì vậy, họ dùng cách này để an ủi người già.
Trường hợp còn lại là nhờ AI “giả” làm cha mẹ (cha mẹ đã qua đời hoặc còn sống nhưng không ở chung với con cái). AI này giúp trẻ có cha mẹ luôn kề cận ở bên để không cảm thấy cô đơn.
Không phải đơn hàng nào cũng nhận
Mặc dù dịch vụ này có nhu cầu cao nhưng không phải lúc nào yêu cầu của khách hàng cũng được chấp nhận. Trương Dịch Vĩ cho biết họ cũng đã từ chối một số đơn hàng do tâm lý khách hàng không ổn định.
“Ví dụ, chúng tôi có một khách hàng từng muốn ra đi vì con của anh chẳng may qua đời. Khi đến gặp chúng tôi, anh ấy cũng vừa kể vừa khóc. Dựa vào tình trạng tâm lý của anh ấy và xin tư vấn từ chuyên gia tâm lý, chúng tôi cho rằng có lẽ không thích hợp để làm dịch vụ này. Vì chúng tôi không thể đoán trước được những biến động cảm xúc hay hành động của anh ấy trong tương lai, do đó chúng tôi đã không nhận đơn này", anh Vĩ chia sẻ.
Nhiều người nhờ AI để “hồi sinh người thân”, bù đắp những tiếc nuối
Bao Tiểu Bách - một nhạc sĩ người Đài Loan đã sử dụng AI để “hồi sinh” con gái đã mất, giúp anh thiết lập lại mối liên kết mới với con gái và xoa dịu nỗi đau mất con. Vào ngày sinh nhật của vợ anh, gia đình “3 người” thậm chí còn cùng nhau hát mừng sinh nhật.
Anh Ngô - một nhà thiết kế thị giác GenZ ở Thượng Hải đã dùng AI để “hồi sinh” bà nội quá cố. Anh cho biết mình hy vọng có thể dùng AI để xoa dịu nỗi tiếc nuối vì đã không thể chào từ biệt bà một cách trọn vẹn. Clip chia sẻ của anh trên MXH sau đó đã thu hút hơn 700.000 lượt xem.
Tranh cãi về mặt trái của công nghệ “AI hồi sinh”
Tăng Nghị - Giám đốc Trung tâm Quản trị và Đạo đức Trí tuệ Nhân tạo của Viện Tự động hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CCTV News rằng, việc có một “người quá cố AI” sẽ khiến mọi người nghiện tương tác với “người ảo”trong một thời gian dài. Về lâu dài, điều này dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Tiến sĩ Lý Tô Lỗi (Trung Quốc) cũng đưa ra lo ngại tương tự, khi phân khúc “AI hồi sinh” sẽ khiến người sống nghiện ảo tưởng, khiến họ ngày càng thoát ly khỏi thực tế, khó thoát ra khỏi đau buồn hơn.
“Việc sử dụng công nghệ AI trong thời gian ngắn để “hồi sinh” có thể an ủi về mặt tâm lý, giúp mọi người có thêm thời gian để chấp nhận thực tế, nhưng không nên sử dụng công nghệ này trong thời gian dài” - Tiến sĩ Lỗi nhận định.