Hội thảo khoa học 'Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước, Thanh Hóa'
Sáng 11-7, tại trung tâm hội nghị huyện Bá Thước, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức Hội thảo khoa học: 'Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn Bá Thước, Thanh Hóa'.
Tiết mục văn nghệ chào mừng.
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Hồng Đức, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, Liên hiệp Hội KHKT Thanh Hóa và các nhà khoa học.
Đồng chí Trương Văn Lịch, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước khai mạc Hội thảo.
Về phía huyện Bá Thước có các đồng chí: Trương Văn Lịch, Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và các đồng chí lãnh đạo huyện Bá Thước.
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Huyện ủy Bá ThướcTrương Văn Lịch khẳng định: Bá Thước là một vùng đất cổ, có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm. Từ thời kỳ hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hàng vạn năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong các hang động, như mái Đá Điều, mái Đá Nước, hang Làng Tráng… những dấu tích của người nguyên thủy, minh chứng cho bước phát triển liên tục của con người, từ hậu kỳ đồ đá cũ sang sơ kỳ thời đại đá mới ở vùng đất này. Không chỉ là vùng đất cổ, có con người hội cư từ rất sớm mà còn vùng đất gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc, đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tiêu biểu của Thanh Hóa và cả nước.
Các đại biểu dự buổi hội thảo khoa học
Đầu thế kỷ XV, các địa danh của Bá Thước như: Bồ Mộng, Ba Lẫm, Kình Lộng và Úng Ải… là những trận địa chiến đấu anh dũng của nghĩa quân Lam Sơn trong thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa. Đến cuối thế kỷ XVI, vùng đất Mường Khoòng - Bá Thước là nơi có công đầu trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, chống Pháp, từ căn cứ Điền Lư, các lãnh tụ Hà Văn Mao, Hà Văn Nho… đã xây dựng lực lượng và phối hợp với Đinh Công Tráng, Cầm Bá Thước chiến đấu anh dũng, gây những tổn hại nặng nề đối với kẻ thù. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, và 21 năm kháng chiến chống Mỹ ở thế kỷ XX, các chiến thắng Đồn và sân bay Cổ Lũng, La Hán, Dốc Yên Ngựa... cũng đã tô thắm thêm những trang sử chống ngoại xâm hào hùng của quê hương…
Bá Thước được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều thắng tích lay động lòng người như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thác Muốn (xã Điền Quang), Thác Hiêu (xã Cổ Lũng), Thác Dần Long (xã Lương Ngoại), Hang Dơi (xã Thành Sơn), Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao), Hang cá thần Mường Ký (xã Văn Nho), Hồ Thạch Minh, Hồ Đèn (xã Điền Hạ)…
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thuyết trình tại buổi Hội thảo
Bá Thước còn là địa bàn cư trú của các dân tộc Mường - Thái - Kinh, nơi những sắc màu văn hóa riêng - chung hòa quyện cùng nhau, tạo dựng nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hóa - xã hội, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: các di tích lịch sử, không gian văn hóa, ẩm thực, trang phục, hệ thống văn học dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trò chơi, trò diễn dân gian, lễ hội…
Vì vậy, ngày nay, mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, bản làng... của Bá Thước đều in đậm những dấu ấn lịch sử - văn hóa. Trên địa bàn huyện đã có 9 di tích, danh thắng, 1 khu du lịch và 3 điểm du lịch đã xếp hạng cấp tỉnh, nhiều nhất trong số 11 huyện miền núi của Thanh Hóa.
NNC. Đại tá Phan Thanh, Hội KHLS Thọ Xuân - Yên Định đọc tham luận khoa học
Trên cơ sở đề dẫn của hội thảo, đã có 33 bản tham luận khoa học với chất lượng chuyên môn cao, đúng theo chủ đề hội thảo đặt ra, chia làm 3 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thứ nhất là “Một số vấn đề lịch sử” có 8 báo cáo khoa học nghiên cứu về các vấn đề sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu, có liên quan trực tiếp đến vùng đất Bá Thước, của các nhà khoa học: PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; PGS.TS Mai Văn Tùng, Trường Đại học Hồng Đức; PGS.TS Lê Đình Sỹ, Viện Lịch Sử quân sự…; Nhóm vấn đề thứ 2 “Một số vấn đề về bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử - văn hóa” có 13 báo cáo khoa học, nghiên cứu đánh giá các giá trị của các di sản lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Bá Thước về việc bảo tồn, phát huy các giá trị đó trong tình hình hiện nay, của các nhà khoa học: PGS.TS Phạm Mai Hùng, Hội Đồng di sản Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ; TS Hoàng Bá Tường, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…; Nhóm vấn đề thứ 3 “Một số giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước” gồm 12 báo cáo khoa học, chủ yếu trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nhằm phân tích rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như cơ hội để tạo động lực cho huyện Bá Thước bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, đây là những di sản lịch sử - văn hóa vô giá, đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch trong giai đoạn hiện nay.
NNC. Phạm Tấn, Tổng thư ký Hội KHLS Thanh Hóa đọc tham luận tại hội thảo
Tại buổi hội thảo, các báo cáo khoa học đã làm rõ thêm các cơ sở, luận cứ khoa học, đánh giá rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như cơ hội để tạo động lực cho huyện Bá Thước bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, đây là những di sản lịch sử - văn hóa vô giá, đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch trong giai đoạn hiện nay, thế mạnh, tài nguyên du lịch dồi dào của Bá Thước, từ đó đề xuất các giải pháp khai thác các giá trị lịch sử văn hóa nhằm phát triển du lịch, đề xuất xây dựng các mô hình, loại hình du lịch được coi là thế mạnh của vùng này, như: du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch trên sông, kết nối các tua, tuyến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, điểm đến du lịch.
TS. Dương Hiền, Trường Đại Học Hồng Đức đọc tham luận tại Hội thảo khoa học.