Hội thảo khoa học hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani
Sáng nay 6/10, tại TP. Đông Hà, Sở Ngoại vụ phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) – Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Triều Thương cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Ngoại vụ phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện nghiên cứu Đề án Hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani, gọi tắt là Hành lang kinh tế PARA-EWEC.
Việc nghiên cứu phát triển Hành lang kinh tế PARA-EWEC được cho là một trong những giải pháp giúp tăng cường kết nối, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các địa phương; góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hành lang kinh tế PARA-EWEC được các nhà đầu tư kỳ vọng sớm hiện thực hóa để giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc giao thương, rút ngắn khoảng cách xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động tại vùng Đông - Bắc Thái Lan, Nam Lào sang thị trường Đông - Bắc Á và Đông - Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam qua cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay - La Lay ngày càng tăng cao.
Đối với người dân, việc phát triển Hành lang kinh tế PARA-EWEC hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, kinh doanh, thuận lợi trong di chuyển, tìm kiếm việc làm, tham quan, du lịch...
Sau gần 1 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát thực địa, thu thập, thống kê, phân tích số liệu. Nhóm nghiên cứu đã tập trung xây dựng định hướng hợp tác phát triển kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch giữa các địa phương, quốc gia trong Hành lang kinh tế PARA-EWEC nhằm khai thác lợi thế mỗi bên, chú trọng phát triển hài hòa lợi ích của mỗi nước; đón đầu và chuẩn bị trước các điều kiện cần thiết khai thác các công trình kết nối hạ tầng đang và sẽ được ba nước Thái Lan, Lào và Việt Nam triển khai cũng như đề xuất một số cơ chế hợp tác, triển khai các chính sách đặc thù, cơ chế huy động nguồn đánh giá, dự báo ảnh hưởng của Hành lang kinh tế PARA-EWEC tới sự phát triển KT-XH của các tỉnh trong tương lai.
Đối tượng nghiên cứu của đề án, gồm: Hành lang kinh tế PARA-EWEC, thể chế pháp lý, cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và giao lưu kinh tế, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành tuyến hành lang kinh tế, các chính sách và giải pháp.
Phạm vi không gian của đề án bao gồm các tỉnh mà hàng lang đi qua: Quảng Trị - Salavan – Ubon Ratchathani và một số địa phương liên quan. Phạm vi thời gian được đánh giá từ năm 2010 trở lại đây; đánh giá triển vọng trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất và đánh giá cao nội dung của đề án.
Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về vai trò của chính quyền các địa phương, nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch trên Hành lang kinh tế PARA-EWEC; những khó khăn, thách thức của các địa phương và nhu cầu hợp tác phát triển chuỗi cung ứng thông qua Hành lang kinh tế PARA-EWEC trong tương lai; các nhóm ngành kinh tế trọng điểm trong dự thảo đề án; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trên hành lang kinh tế; định hướng hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; những giải pháp mang tính đột phá...