Hội thảo khoa học Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam
Ngày 31-3-2023, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học về Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam. TS. Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và GS, TS. Lê Hữu Nghĩa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo khoa học.
Tham dự Hội thảo khoa học có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp.
Tại Hội thảo, GS, TS. Lê Hữu Nghĩa đã trình bày báo cáo đề dẫn về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN - Nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH ở Việt Nam trên cơ sở đó Hội thảo đã thảo luận về một số chủ đề như:
Chủ đề Một số vấn đề chung về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường - Nhà nước pháp quyền - Nền dân chủ được đặt vấn đề qua các tham luận của PGS, TS. Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về Quá trình nhận thức của Đảng qua 35 năm đổi mới; PGS, TS. Đào Phương Liên - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận chính trị học, Đại học Kinh tế quốc dân về Một số vấn đề có tính lý thuyết liên quan đến giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và dân chủ trong hoàn thiện mô hình CNXH ở Việt Nam. Phần này có 4 ý kiến phản biện của một số PGS, TS tham dự Hội thảo.
Chủ đề về Một số vấn đề nổi bật về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH ở Việt Nam được thể hiện qua các tham luận của TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo - nguyên Trợ lý Chủ tịch nước. Phần này có 5 ý kiến phản biện của một số nhà khoa học tham dự như TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; GS, TS. Phạm Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã làm rõ chủ thể thực hiện và các mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN từ góc độ các hướng tiếp cận khác nhau, tóm tắt nội dung ý kiến của TS. Trần Anh Tuấn như sau:
Thứ nhất, kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN - Nền dân chủ XHCN là 3 trụ cột phát triển đất nước. Khi xác định và giải quyết mối quan hệ giữa 3 trụ cột này phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN là chủ thể chính trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân. Còn kinh tế thị trường là trung tâm, là cơ sở để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Xây dựng nền dân chủ là nguồn gốc, là mục tiêu, là động lực để xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân; đồng thời, đó là căn cứ để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và khắc phục các hạn chế, khuyết tật của kinh tế thị trường.
Thứ hai, trên cơ sở giải quyết mối quan hệ giữa 3 trụ cột, cho thấy vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN là thượng tôn pháp luật. Mọi vấn đề, dù là bất cứ ai, tổ chức nào, cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương, mọi tổ chức, mọi người dân đều phải tuân thủ và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Thứ ba, kinh tế thị trường định hướng XHCN phải làm rõ được các điểm khác biệt với kinh tế thị trường. Bên cạnh các vấn đề cung cầu giá cả, cạnh tranh, độc quyền và các khuyết tật – theo lý thuyết của kinh tế học hiện đại, thì các vấn đề này được coi là “Bàn tay vô hình”, hoạt động khách quan, phải chấp nhận. Đồng thời, cần chú ý phát huy chức năng, trách nhiệm của Nhà nước để có các chính sách nhằm điều tiết, tác động và kiểm soát thị trường - được coi là “Bàn tay hữu hình”. Như vậy, mới có thể “vỗ tay bằng hai bàn tay”. Tuy nhiên, dù “vỗ tay” thế nào thì vẫn phải giữ được định hướng XHCN khi phát triển kinh tế thị trường.
Thứ tư, trong xây dựng nền dân chủ XHCN cần chú ý đây là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người - điều này được bảo đảm bởi pháp luật. Trong dân chủ thì có dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trong dân chủ trực tiếp cần chú ý đến tổ chức và hoạt động của cộng đồng dân cư được tổ chức dưới các hình thức thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố, khu phố,… Trong dân chủ đại diện, cần chú ý đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc, tư vấn, phản biện và phản ánh các ý kiến, kiến nghị của người dân. Việc phát huy sức mạnh của nền dân chủ XHCN, đồng hành với nguyên tắc thượng tôn pháp luật góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong xây dựng nền dân chủ XHCN thì các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xã hội, xã hội nghề nghiệp,… phải phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng nền dân chủ XHCN.
Thứ năm, Văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia. Trong các hoạt động của quản trị quốc gia đều tuân thủ và chịu sự lãnh đạo của Đảng, kể cả mọi hoạt động liên quan đến Nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền dân chủ XHCN. Để bảo đảm xử lý và giải quyết được hiệu quả, đạt được mục tiêu đặt ra, cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu, để thực hiện tốt, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết mối quan hệ giữa 3 trụ cột, cần phải chú ý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Cần chú ý thay đổi tư duy về công tác lựa chọn cán bộ, lựa chọn người tài theo hướng: Không phân biệt nguồn gốc vùng miền, bằng cấp, tuổi tác; không nên xem xét phân biệt nhân sự ở vùng nào, tỉnh nào; không nên chọn người theo bằng cấp; không nên lấy tuổi để hạn chế sự lựa chọn. Người giỏi không chỉ có ở lớp tuổi trẻ mà còn cả lớp người cao tuổi. Do đó, không nên lấy tuổi làm điều kiện trong lựa chọn nhân tài. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, bộ, ngành, có nhiều người đang có sức khỏe, có phẩm chất, kiến thức, năng lực và làm việc hiệu quả nhưng chỉ vì giới hạn tuổi trong lựa chọn cán bộ mà phải về nghỉ là rất lãng phí. Vì vậy, nên bỏ quy định mỗi chức danh bầu không quá 2 nhiệm kỳ. Không lấy số nhiệm kỳ, số lần bổ nhiệm để lựa chọn nhân sự. Công tác nhân sự cần đổi mới theo nguyên tắc: người có tài, có đức, có tinh thần cống hiến, có sức khỏe, có uy tín, để lại nhiều dấu ấn được nhân dân công nhận, thì phải được giữ lại, được mời ở lại làm việc, để giúp dân, giúp nước.
Bên cạnh ý kiến của Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, còn có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tham dự Hội thảo phát biểu với tinh thần rất tâm huyết.
Kết thúc Hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Bùi Trường Giang trân trọng cảm ơn và xin lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong thời gian tới.
Nguồn: http://hiephoikhhc.org.vn/