Hội thảo khoa học 'Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững'.

Chiều 9/10, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững'.

Tham dự có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Sở KH&CN 14 tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc; các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, Thành phố. Các đồng chí: Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc đến cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai do cơn bão số 3 gây ra tại các tỉnh.

Đồng thời, khẳng đinh vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT - XH quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tỉnh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo "không bàn lùi, chỉ bàn làm", do đó kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra, trong đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại các địa phương trong vùng. Mục tiêu xây dựng vùng Trung du và miền núi phía Bắc vững mạnh, toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của các địa phương, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Khpa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Khpa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng KHCN và tiến bộ kỹ thuật vào quá trình phát triển KT - XH của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay, tỉnh đã thực hiện 11 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng; phê duyệt mới 37 đề tài, nhiệm vụ, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng; chuyển giao kết quả của 18 nhiệm vụ cho 61 đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục áp dụng, nhân rộng kết quả vào đời sống và thực tiễn công tác.

Hội thảo lần này là sự kiện khoa học quan trọng, là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học cùng 14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc thảo luận, trao đổi, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, với mục tiêu đưa ra được một số giải pháp trước mắt và lâu dài, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó trọng tâm triển khai giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển KT - XH nhanh và bền vững. Thông qua sự kiện, Cao Bằng sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, có thêm các căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong phát triển KT - XH phù hợp, hiệu quả và toàn diện hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện có 185 tổ chức KHCN, trong đó có 32 tổ chức KHCN công lập, 106.000 cán bộ KHCN. Số tổ chức dịch vụ khoa học chiếm 50,8%; số tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 32,4%; số cơ sở giáo dục và đào tạo chiếm 15,7% số cơ sở trong vùng. Giai đoạn 2015 - 2022, toàn vùng triển khai trên 1.500 đề tài/dự án KH&CN cấp tỉnh.

Đến nay 14/14 tỉnh trong vùng đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tạo cơ hội, môi trường để doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong vùng tiếp cận KH&CN, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Các địa phương trong vùng chú trọng xây dựng dụng cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ nhằm thu hút nguồn lực, nhất là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xã hội hóa nguồn lực KH&CN.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được nghe gần 20 báo cáo tham luận, trao đổi của các đại diện đến từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương, tập trung vào các vấn đề: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển KT - XH vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững; giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Trung du và miền núi phía Bắc; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển nông - lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng; tăng cường liên kết, hợp tác và đổi mới, phát triển KHCN và ĐMST... Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực đối với từng địa phương, góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển KT - XH của cả vùng.

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KHCN giữa các tỉnh trên địa bàn; tăng cường liên kết, gắn kết, hợp tác phát triển các mô hình nghiên cứu giữa các đơn vị, trường đại học về nghiên cứu với các doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp, địa phương với nhau để nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển, chuyển giao KHCN tiên tiến, ứng dụng vào sản xuất, đẩy mạnh thương mại hóa, phục vụ các mục tiêu phát triển KT - XH. Bám sát các đặc điểm, định hướng của vùng, của địa phương để xác định trúng và đúng các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần lan tỏa, phổ biến rộng rãi kết quả phát triển KT - XH, KHCN và ĐMST.

Thùy Linh - Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-thao-khoa-hoc-thuc-day-ung-dung-cong-nghe-va-tien-bo-ky-thuat-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-3172740.html