Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về khuyến công: Những trăn trở từ thực tiễn

Các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến hay nhằm xây dựng Dự thảo Nghị định về khuyến công hiệu quả, sát với thực tế.

Tại Hội thảo lấy kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ về khuyến công do Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/9, trên cơ sở kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác khuyến công, các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhiều nội dung mới, đón đầu xu hướng phát triển kinh tế

Trình bày những nội dung sơ bộ trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công (Dự thảo Nghị định), bà Đinh Thị Huyền Linh - Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương - thông tin, theo ý kiến đóng góp của các địa phương, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo mong muốn bám sát định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 1. Cụ thể, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn); các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề.

Nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ là đối tượng bổ sung thụ hưởng chính sách khuyến công do có vai trò đặc biệt trong bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống”, bà Đinh Thị Huyền Linh cho hay.

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi Khoản 1 Điều 2 như sau: Chương trình khuyến công quốc gia là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn (5 năm hoặc 10 năm) do Bộ Công Thương tổ chức xây dựng và phê duyệt phù hợp với kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn của ngành nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên phạm vi cả nước.

Bà Đinh Thị Huyền Linh- Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương. Ảnh: Thanh Tuấn

Bà Đinh Thị Huyền Linh- Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương. Ảnh: Thanh Tuấn

Bổ sung Khoản 5a, 5b Điều 2 như sau: Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc áp dụng các giải pháp theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Đây là nội dung mới, bám sát theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững. Do đó, đây cũng là nội dung rất quan trọng”, bà Đinh Thị Huyền Linh thông tin thêm.

Cùng đó, chuyển đổi số là chiến lược phát triển rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tự chuyển đổi số cho mọi hoạt động, tuy nhiên nội dung này đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, Ban soạn thảo cũng bổ sung thêm nội dung về chuyển đổi số: “Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công là việc hỗ trợ áp dụng các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số nhằm thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh truyền thống để tạo ra cơ hội, sản phẩm, doanh thu và giá trị mới trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” vào Dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định cũng đồng thời bổ sung những nội dung mới, như: Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Bổ sung thêm nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình về áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các giải pháp, phần mềm, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến cụm công nghiệp; mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, xe ô tô phục vụ công tác cho cơ quan quản lý chương trình khuyến công và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Điều 7, Điều 8 Nghị định này…; danh mục ngành nghề được thụ hưởng chính sách khuyến công; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn…

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực

Cho rằng việc ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi, Nghị định số 45 thời điểm này là rất cần thiết, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - góp ý, từ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ được phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia, vậy về phía địa phương, Sở Công Thương có được phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương không? Hiện nay, Chương trình khuyến công địa phương phải do UBND hoặc HĐND quyết định phê duyệt.

Một điểm quan trọng, Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia nhưng Bộ Tài chính có kinh phí hay không và giải quyết vấn đề này như thế nào?”, lãnh đạo Sở Công Thương Phú Thọ băn khoăn.

Ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho rằng việc ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi, Nghị định số 45 thời điểm này là rất cần thiết. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho rằng việc ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi, Nghị định số 45 thời điểm này là rất cần thiết. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Đặng Việt Phương cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, các chương trình hỗ trợ rất dễ vướng vào quy định chống trợ cấp. Do vậy, Cục Công Thương địa phương nên tham vấn Cục Phòng vệ Thương mại để lược bỏ các từ ngữ có nguy cơ bị cáo buộc trong Dự thảo Nghị định.

Liên quan đến bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công, ông Nguyễn Văn Đắc - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La - bày tỏ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công của Sơn La đã được chuyển về trực thuộc UBND tỉnh. Trong Dự thảo Nghị định không có quy định về đối tượng này, nếu được ban hành Sơn La sẽ rất khó sắp xếp để triển khai công tác khuyến công.

Tại Khoản 7, Điều 1 có quy định chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp. Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 32) đã được ban hành, trong đó quy định các nội dung hỗ trợ trong cụm công nghiệp và quy định mức hỗ trợ không quá 30% đầu tư hạ tầng.

Vấn đề đặt ra là Khoản 7, Điều 1 trong Dự thảo Nghị định có nằm trong quy định của Nghị định số 32 hay không, cần làm rõ”, ông Nguyễn Văn Đắc đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Đắc - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La góp ý về bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Văn Đắc - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La góp ý về bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Phạm Khắc Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cũng góp ý, nên bỏ từ nông thôn trong cụm từ cơ sở công nghiệp nông thôn, bởi Dự thảo Nghị định không giới hạn địa bàn. Hơn nữa, hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ rất quan trọng như doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nằm trong địa bàn khu công nghiệp, địa bàn thành phố, các phường, các quận nếu giữ nguyên đối tượng cơ sở công nghiệp nông thôn thì không còn phù hợp.

Tại Điểm c, Khoản 7, Điều 4 quy định chỉ hỗ trợ di chuyển các cơ sở trong làng nghề ở cụm công nghiệp nhưng nên thêm nội dung di rời ra khỏi cụm công nghiệp đã được quy hoạch sẽ phù hợp hơn với Nghị định số 32.

Ông Phạm Khắc Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh góp ý, nên bỏ từ nông thôn trong cụm từ cơ sở công nghiệp nông thôn. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Phạm Khắc Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh góp ý, nên bỏ từ nông thôn trong cụm từ cơ sở công nghiệp nông thôn. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Ngô Quang Trung nêu rõ, Dự thảo Nghị định mới ở mức sơ bộ, được đơn vị soạn thảo xây dựng trên kiến nghị của các đơn vị tại sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 45. Sau khi tiếp thu ý kiến tại Hội thảo, Cục tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các địa phương bằng văn bản.

Nội dung Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung nội dung lớn, triển khai được ngay, tạo sự đột phá cho triển khai công tác khuyến công trong thời gian tới. Những nội dung chưa cần thiết thì chưa tiến hành sửa trong phạm vi Dự thảo Nghị định này”, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh.

Hải Linh-Thanh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-thao-lay-y-kien-doi-voi-du-thao-nghi-dinh-ve-khuyen-cong-nhung-tran-tro-tu-thuc-tien-347011.html