Hội tụ lợi thế ở Hàm Thuận Nam

Hàm Thuận Nam là vùng đất ít mưa nhiều nắng, nhưng có tiềm năng, tài nguyên đặc trưng về rừng, biển, nông nghiệp và cả du lịch. Dựa trên thế mạnh sẵn có ấy, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện đã nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề trên từng lĩnh vực. Kết quả, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 995,92 tỷ đồng, tăng 55,52% so với tổng thu ngân sách 5 năm (2011 – 2015); thu hút 27 dự án tại khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II với tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng và 100 triệu USD; tổng số vốn đã huy động để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện đạt trên 5.800 tỷ đồng… Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34 triệu đồng/người vào năm 2015 lên 49,96 triệu đồng/người năm 2020, trong khi chỉ tiêu đề ra là 49 triệu đồng. Kết quả trên tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn của huyện.

Nhiệm kỳ tới 2020 – 2025, huyện Hàm Thuận Nam phấn đấu đạt tổng thu ngân sách trên 1.250 tỷ đồng trong 5 năm; đào tạo nghề kết hợp giải quyết việc làm hơn 2.000 lao động mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn mức 1%… Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh gắn với sản phẩm lợi thế, tiềm năng sẵn có của huyện.

Với hệ thống nối mạng đã hình thành theo tuyến kênh tiếp nước Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập – Tà Mon, cộng thêm kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân đưa nước về địa phận của huyện đang thi công giai đoạn cuối, rồi hồ Kapet đang chuẩn bị thủ tục đầu tư nên không lâu nữa, Hàm Thuận Nam sẽ không bị thiếu nước gay gắt vào mùa khô. Từ đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển những cây trồng, vật nuôi chủ lực; những trang trại rộng vài trăm ha sẽ hình thành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Từ đó, hình thành vùng chuyên canh cây thanh long 13.200 ha, sản xuất theo chuỗi liên kết với sản phẩm nước ép và sirô thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long… không chỉ để xuất khẩu mà còn là đặc sản của vùng cho du khách thưởng thức.

Vì không còn lâu nữa, hệ thống giao thông đối nội kết nối từ các tuyến giao thông đối ngoại như đường cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, đường trục ven biển ĐT 719B... qua đường ĐT 719 ven biển hiện hữu, sẽ hình thành, mở ra vùng kinh tế ven biển sôi động của Hàm Thuận Nam. Mà trước mắt là du lịch, khi nơi đây đã có những dự án lớn, mang tính đa dạng, khép kín trong phục vụ du khách đang triển khai. Có thể kể như dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp và thể thao biển của Tập đoàn Tân Á - Cường Thịnh Thi, tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng trên diện tích 227,5 ha… Trên bản đồ du lịch của Bình Thuận, Hàm Thuận Nam đang nổi lên là vùng du lịch triển vọng nhất, có sức hút nhất.

Sự nối mạng của thủy lợi, sản phẩm chế biến từ thanh long và những dự án du lịch tầm cỡ trong 5 năm tới, khiến Hàm Thuận Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ở tầm cao mới, không chỉ của huyện mà còn góp phần cùng cả Bình Thuận.

Trang Minh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/hoi-tu-loi-the-o-ham-thuan-nam-130337.html