Hơn 1,3 tỷ người có thể mắc tiểu đường vào năm 2050

Một nghiên cứu mới dự báo rằng mọi quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường từ 529 triệu người vào năm 2021 tăng gấp đôi lên hơn 1,3 tỷ người vào năm 2050 nếu không có các hành động ngăn chặn.

Số ca mắc tiểu đường trên thế giới được dự báo sẽ gia tăng ở mọi quốc gia và mọi lứa tuổi. Ảnh: PA

Số ca mắc tiểu đường trên thế giới được dự báo sẽ gia tăng ở mọi quốc gia và mọi lứa tuổi. Ảnh: PA

Theo Guardian, đây là kết quả của công trình nghiên cứu được công bố vào ngày 22/6 trên các tạp chí y khoa The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology.

Giới chuyên gia mô tả dữ liệu nghiên cứu trên là đáng báo động, nhận định rằng bệnh tiểu đường đang vượt xa hầu hết các bệnh khác trên toàn cầu và là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe con người và hệ thống y tế.

“Bệnh tiểu đường vẫn là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất của thời đại chúng ta và sẽ gia tăng mạnh mẽ trong 3 thập kỷ tới ở mọi quốc gia, mọi nhóm tuổi và giới tính. Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Shivani Agarwal, thuộc Hệ thống Y tế Montefiore và Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, cho biết.

Trong một báo cáo, Liên Hợp Quốc dự báo rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ ở ngưỡng 9,8 tỷ người. Điều này có nghĩa là đến lúc đó, từ 1/7 đến 1/8 dân số sẽ sống chung với bệnh tiểu đường.

Các tác giả nghiên cứu cho biết phần lớn các trường hợp mắc sẽ là tiểu đường tuýp 2 – dạng bệnh có liên quan đến béo phì, có thể phòng ngừa và đảo ngược nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên, tất cả các bằng chứng thu được đều cho thấy, số ca mắc bệnh đang tiếp tục tăng, chủ yếu là do tình trạng béo phì tăng bởi nhiều yếu tố.

Một yếu tố khác tác động đến sự gia tăng số người mắc tiểu đường là do sự thay đổi nhân khẩu học. Theo đó, tỷ lệ mắc sẽ cao hơn ở người lớn tuổi.

Ngoài ra, sự phân biệt chủng tộc và "sự bất bình đẳng về địa lý" cũng đẩy nhanh tỷ lệ mắc tiểu đường và một loạt các bệnh tật, ốm đau và tử vong. Những người dân thuộc nhóm bị thiệt thòi ít có khả năng tiếp cận với các thuốc thiết yếu như insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.

Nghiên cứu dự báo rằng tỷ lệ mắc tiểu đường dự kiến sẽ đạt 16,8% ở Bắc Phi và Trung Đông, 11,3% ở châu Mỹ Latinh và Caribe vào năm 2050, so với tỷ lệ trung bình 9,8% trên toàn cầu. Tỷ lệ hiện nay là 6,1%.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tình trạng bất bình đẳng về bệnh tiểu đường trên toàn cầu cũng tăng mạnh. Những người mắc tiểu đường có nguy cơ mắc Covid-19 nặng và tử vong cao gấp đôi so với những người mắc Covid-19 mà không bị tiểu đường, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Ông Chris Askew, Giám đốc điều hành của tổ chức Diabetes UK, cho biết: "Nhu cầu về việc phối hợp hành động giữa các chính phủ để giải quyết sự bất bình đẳng về tỷ lệ mắc tiểu đường, cải thiện các điều kiện cơ bản về sức khỏe, nghèo đói và sống chung với bệnh béo phì chưa bao giờ trở nên cấp bách như này".

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hon-13-ty-nguoi-co-the-mac-tieu-duong-vao-nam-2050-post23310.html