Hơn 11.000 cơ hội việc làm ở Nghệ An đang chờ người lao động
Năm 2021, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An lên tới 11.044 lao động.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, năm 2021 nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An lên tới 11.044 lao động.
Đến năm 2025, dự kiến Nghệ An sẽ thu hút thêm 100 dự án đầu tư; trong đó, có 30% dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 70.000 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ cần hơn 130.500 lao động chất lượng cao và lao động phổ thông.
Lao động chuyển dịch về quê
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT đi vào hoạt động từ tháng 6/2020, tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, với tổng diện tích nhà xưởng hơn 21 hécta.
Nhà máy này ở Nghệ An trở thành một trong những công ty hiện đại nhất và lớn nhất miền Trung Việt Nam.
Sản phẩm chính của công ty là bộ sạc nhanh, bộ sạc không dây, cáp tốc độ cao, tai nghe Bluetooth và loa.
Nhà máy sử dụng công nghệ tự động hóa hiện đại nhất và công nghệ SMT để tạo ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
Hiện tại, công ty đã có hơn 5.000 công nhân viên, dự kiến yêu cầu nhân lực của năm 2021 là 20.000 lao động.
Làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshere-ICT, đa số là lao động trẻ, có trình độ, tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm mới chuyển về từ các doanh nghiệp khác ở các khu công nghiệp lớn của cả nước.
Từng có 4 năm làm việc tại Khu Công nghiệp Formosa, với năng lực và khả năng sử dụng tiếng Trung tốt, khi biết ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshere-ICT có tuyển dụng lao động đúng chuyên môn, Nguyễn Văn Thắng đã xin về dự tuyển vào vị trí Quản lý Kho, vì lý do “được ở gần nhà.”
Hiện tại, trong môi trường mới khá chuyên nghiệp, với mức lương gần 10 triệu đồng và được ưu tiên ở Ký túc xá công ty dành cho đối tượng là nhân viên, Thắng khá hài lòng với công việc hiện nay.
Tương tự, chị Lê Thị Vinh ở huyện Thanh Chương từng làm việc tại tỉnh Bình Dương. Đầu năm nay, chị quyết định về quê và đăng ký vào làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn EmTech Việt Nam Vinh, một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa ở Khu Công nghiệp VSIP.
Tại đây, với kinh nghiệm và tay nghề cao, chị được tuyển dụng lên làm nhân viên giám sát. Công việc không thay đổi nhưng đi lại thuận lợi và thu nhập ổn định khiến chị Vinh muốn gắn bó lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn EmTech Việt Nam Vinh, cũng cho biết công ty đang lắp đặt thêm nhiều dây chuyền mới vào sản xuất nên vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động trong thời gian tới.
Nhiều cơ hội việc làm cho lao động nội tỉnh
Nghệ An đang là điểm đến của nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các Khu Công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao và lao động phổ thông sẽ tăng cao đột biến.
Điều này đặt ra cho tỉnh phải có nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Không chỉ các dự án lớn, rất nhiều các công ty nhỏ và vừa khác thuộc nhiều lĩnh vực như xây dựng, khách sạn, cơ khí cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay, có 232 doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng lao động với gần 47.000 người.
“Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng số lao động đáp ứng được rất ít, đặc biệt là lao động có tay nghề. Rất nhiều doanh nghiệp họ trực tiếp đặt hàng tại các nhà trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mới chỉ có gần 1.400 lao động đến sàn để tìm việc làm,” ông Lê Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, cho biết.
Thực tế cho thấy để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp của tỉnh, Nghệ An phải có một chiến lược dài hạn.
Trước mắt, tỉnh phải rà soát nguồn lực lao động ở các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư để dự báo về nhu cầu việc làm trong thời gian tới nhằm “giữ chân” lao động.
Nghệ An cần ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và lao động, xem đây là đòn bẩy động lực để phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối giữa nhà nước-nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường phân luồng, hướng nghiệp và đổi mới hoạt động mạng lưới cơ sở đào tạo, để có nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Khu Kinh tế Đông Nam, phân tích doanh nghiệp có thể “gửi đơn” đặt hàng những ý tưởng sáng tạo từ các nhà trường. Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp-nhà trường để nhà trường chủ động nắm bắt các dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và có hướng đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu thực tiễn khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mang tính ổn định và lâu dài cần phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng chế độ tiền lương, chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân viên một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tạo điều kiện và phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở để chăm lo và đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài và cố gắng tăng năng suất lao động, đem lại lợi nhuận và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp./.