Hơn 137 nghìn tỷ để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình của Chính phủ nêu rõ: các bộ, ngành, địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia. Các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể được tham vấn đầy đủ các bên liên quan, có tính khả thi cao trong giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhất nói riêng.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương dẫn đến khó khăn trong việc cân đối ngân sách cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với tổng số vốn đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế: tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia có sự chậm chễ nhất định, nhất là tiến độ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt đầu tư.
Mục tiêu của chương trình nêu trên là đầu tư tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dẫn đến việc đầu tư vốn rất lớn. Các dự án, tiểu dự án và nội dung của Chương trình đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức triển khai, trong khi quy mô các công trình, các nội dung chính sách lại nhỏ, được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau dẫn tới những thách thức trong quá trình tổng hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế về năng lực, thiếu đồng bộ về trang thiết bị phục vụ công việc; điều kiện tự nhiên nhiều chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu... Tất cả những nguyên nhân trên khiến quá trình giải ngân thực hiện các nội dung đầu tư của Chương trình tại các địa phương dự kiến gặp nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn đầu năm 2021, 2022.
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ trong việc xây dựng Báo cáo và thẩm tra báo cáo. Đồng thời cho biết: Do diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 nên việc kiểm tra, giám sát thực tế ở địa phương, cơ sở không thực hiện được; Chính phủ đang tập trung cao độ cho phòng, chống dịch, việc triển khai của các bộ, ngành cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết 12 ngày 15/2/2020 của Chính phủ, hằng năm phải có đánh giá kết quả thực hiện.
Với tinh thần là Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thì Hội đồng Dân tộc cũng đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, các đại biểu dự phiên họp thẳng thắn trao đổi, đề xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả thiết thực. Cùng với đó là, thực hiện giám sát công tác triển khai thực hiện, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì phối hợp và giao trách nhiệm rõ ràng cho 19 bộ và cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Do đó, cần đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88/2019/QH14 đã đề ra đến năm 2025. Trên cơ sở đó có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm để theo quy định sau khi sơ kết 5 năm sẽ hoạch định cho giai đoạn tiếp theo. Nhất là, phải nêu được cụ thể những việc đã làm, khó khăn vướng mắc; thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý, phải nhìn nhận chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đầy đủ, hiệu quả 8 giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ trong Nghị quyết của Chính phủ.
Khẳng định công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý, các cơ quan hữu quan cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách cần hướng tới mục tiêu người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc nhằm phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, sau phiên họp này, các cơ quan tiếp thu, chỉnh sửa để trình Ủy ban Thường vụ tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ thảo luận sắp tới.