Hơn 430.000 người dân Hà Tĩnh hưởng lợi từ dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung
Việc thực hiện dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung đã góp phần hóa giải bài toán về phát triển hạ tầng giao thông - thủy lợi, tăng cường khả năng kết nối dịch vụ cho người dân nông thôn Hà Tĩnh.
Hệ thống kênh mương, đường giao thông được nâng cấp tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Do điều kiện đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, hằng năm, Hà Tĩnh phải hứng chịu nắng nóng đỉnh điểm và nhiều trận bão lũ lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân và tình hình phát triển kinh tế… Vấn đề này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác ứng phó và giảm nhẹ tác động của thiên tai.
Xã Đức Thịnh (nay là xã Thanh Bình Thịnh) - huyện Đức Thọ là địa bàn thường xuyên ngập lụt khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, hệ thống đê sau nhiều năm xây dựng đã xuống cấp, không đủ khả năng ngăn chắn, bảo vệ đồng ruộng. Số lượng cơn bão đến nhiều vào các tháng cuối năm, trùng với thời điểm thu hoạch nông sản nên bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông, chợ… cũng đã xuống cấp, gây cản trở khả năng kết nối, phát triển thương mại của toàn vùng.
Chị Nguyễn Thị Tú (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ) chia sẻ về thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp khi có hệ thống kênh mương, trạm bơm.
Chị Nguyễn Thị Tú (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ) chia sẻ: “Khu vực này khi mưa lớn kéo dài là đồng ruộng ngập băng. Bà con thiệt hại nhiều, làm cả mấy tháng ròng mà mất trắng nên nông dân dần bỏ đồng ruộng, không dám đầu tư sản xuất”.
Thấu hiểu những bất cập đó, dự án thành phần “Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn 5 xã ngập úng (Thái Yên, Đức Thịnh, Yên Hồ, Đức Quang, Đức La - nay nhập thành 3 xã Thanh Bình Thịnh, Bùi La Nhân và Quang Vĩnh), huyện Đức Thọ” đi vào hoạt động đã đem đến những biến chuyển tích cực cho đời sống khu vực nông thôn.
Hệ thống kênh tưới, trạm bơm được nâng cấp giúp đảm bảo công trình ổn định, an toàn cho dân cư vùng hạ lưu. Ngoài ra, dự án còn tăng quy mô hồ chứa để nâng cao năng lực trữ nước và hiệu quả phục vụ tưới cho 1.075 ha đất canh tác nơi đây.
“Bây giờ, làm được kênh mương, trạm bơm như thế này thì bà con nông dân chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều, nước mưa tiêu thoát nhanh. Sản xuất ổn định, người dân ở đây ai cũng mừng, không còn lo mùa màng thất thu do ngập lụt” - chị Tú chia sẻ thêm.
Đời sống người dân có nhiều thay đổi khi dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, được sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại hơn
Cùng với đó, việc vận hành hệ thống tưới hiệu quả, nâng cao năng lực hoạt động của cơ sở hạ tầng giao thông, chợ, trung tâm y tế… trong khuôn khổ dự án thực hiện đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Đời sống có nhiều thay đổi khi người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, được sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại hơn.
Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: “Vùng này là khu vực hạ du, hằng năm thường xuyên xảy ra ngập lụt, thiên tai nên rất cần phát triển giao thông, đầu tư hạ tầng nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, tưới tiêu… Chính vì vậy, dự án được triển khai có ý nghĩa rất lớn và thiết thực”.
Được biết, dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung (pha 2) được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn.
Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm, từ tháng 6/2015 - 6/2019 với tổng nguồn vốn hơn 89 triệu USD. Tính đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1 năm. Theo đó, 24 tiểu dự án thành phần, trải dài trong 6 tỉnh thuộc vùng dự án đã góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu thêm 42.000 ha cây nông nghiệp, giúp hơn 1,2 triệu người dân trong vùng dự án được hưởng lợi.
Có hơn 430.000 người dân Hà Tĩnh hưởng lợi từ dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung.
Dự án đã thực hiện nâng cấp và mở rộng quy mô chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ).
Hà Tĩnh tham gia vào dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung (pha 2) với 5 tiểu dự án thành phần. Trọng tâm của dự án này là giải quyết các vấn đề bất cập trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống Nhân dân trong tỉnh.
Tổng mức đầu tư tại các địa phương ở Hà Tĩnh hơn 335 tỉ đồng, gồm một số dự án quan trọng như: sửa chữa nâng cấp đập Họ và hệ thống kênh sông Tiêm; nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh tưới vùng giữa thủy lợi sông Rác; sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà; phục hồi và nâng cấp hệ thống thủy lợi 3 xã phía Tây Nam, huyện Thạch Hà; sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn 5 xã ngập úng, huyện Đức Thọ…