Hong Kong tụt hai bậc trong danh sách thành phố đắt đỏ nhất

Hong Kong đã giảm hai bậc, trở thành thành phố đắt đỏ thứ sáu trên thế giới cho người nước ngoài, nhưng vẫn là nơi đắt thứ hai ở châu Á, theo một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Tư.

Hong Kong vẫn là khu vực đắt đỏ thứ hai châu Á. Ảnh: Handout/SCMP

Ashgabat ở Turkmenistan đứng đầu danh sách nghiên cứu của công ty dữ liệu ECA International - tiếp theo là Zurich, Geneva, Basel và Bern - trong khi Tokyo vẫn ở vị trí thứ bảy trên toàn cầu. Singapore giảm hai bậc xuống thứ 14.

"Mặc dù bất ổn chính trị và xã hội năm ngoái, cùng với tác động của Covid-19 khiến một số người không muốn chuyển sang đặc khu hành chính này nhưng Hong Kong chỉ thấy một sự sụt giảm nhỏ trong bảng xếp hạng toàn cầu", Lee Quane, giám đốc khu vực châu Á của ECA nói.

Được tiến hành vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm kể từ năm 2005, cuộc khảo sát đã so sánh một giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tương tự thường được mua bởi những người làm việc/sinh sống ở nước ngoài ở hơn 480 nơi trên thế giới. Các mặt hàng bao gồm cửa hàng tạp hóa, thịt và cá, đồ gia dụng, hàng hóa giải trí, quần áo, chi phí xe máy và mặt hàng điện.

Cuộc khảo sát mới nhất đã nghiên cứu các chuyển động hàng năm trong dữ liệu được thu thập vào tháng 3 so với các dữ liệu được thực hiện trong cùng thời điểm năm ngoái. Nhưng chi phí sinh hoạt - chẳng hạn như tiền thuê nhà ở và phí tiện ích - được loại trừ trong khảo sát.

Ví dụ, chi phí xăng dầu của Hong Kong là 2,35 USD/lít, đắt hơn 1,77 USD ở London, 0,93 USD ở New York và 1,08 USD ở Sydney.

Phí thành viên tập gym một năm ở Hong Kong có giá 1.355 USD - đắt hơn so với chi phí ở ba thành phố lớn khác. So sánh với New York, chi phí này cao hơn 400 USD.

Lần cuối cùng Hong Kong ngồi ngoài top 5 trong bảng xếp hạng là vào năm 2018 khi thành phố này được xếp thứ 11.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy tất cả các thành phố ở Trung Quốc đại lục tụt hạng trong bảng xếp hạng do các dấu hiệu của nền kinh tế suy yếu và tiền tệ hoạt động kém. Bắc Kinh và Thượng Hải đều giảm chín bậc, xuống thứ 24 và 19 tương ứng.

"Một trong những yếu tố quan trọng chắc chắn là sự bùng phát của Covid-19, nhưng cũng cần lưu ý rằng đồng nhân dân tệ vốn đã hoạt động kém trước thời kỳ này, với sự bùng phát Covid-19 làm trầm trọng thêm sự yếu kém tương đối của đồng tiền Trung Quốc so với các loại tiền tệ chính khác", Quane nói.

Top 10 nơi đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài. Ảnh: SCMP

Đại dịch Covid-19 cũng đánh vào chi phí sinh hoạt ở Hàn Quốc. Seoul rơi từ vị trí thứ tám xuống thứ 17 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Nhưng hầu hết các thành phố của Mỹ đã nhảy vọt trong bảng xếp hạng của họ, bởi vì đồng USD tiếp tục hoạt động tốt so với các loại tiền tệ chính khác, với việc New York và Honolulu lọt vào top 20 toàn cầu.

"Trong những thời điểm không chắc chắn, như chúng ta đang thấy hiện tại với Covid-19 và với suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều người sẽ bỏ tiền vào những nơi được coi là 'trú ẩn an toàn' như Mỹ, và kết quả là đồng USD đã mạnh lên - làm cho mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn đối với người nước ngoài so với trước đây.", Quane bổ sung.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hong-kong-tut-hai-bac-trong-danh-sach-thanh-pho-dat-do-nhat-post84729.html