Huấn luyện doanh nghiệp tham gia EVFTA

Chiều 12-9, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM phối hợp với các sở, ngành tổ chức hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào hỗ trợ doanh nghiệp (DN) TP tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - châu Âu (EVFTA).

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết TP HCM được xác định là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước với mức đóng góp 24% tổng sản phẩm quốc nội, 28% thu ngân sách, 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước. TP cũng là địa điểm đầu tư hấp dẫn với 8.000 dự án đầu tư trực tiếp, tổng số vốn lũy kế lên đến 45 tỉ USD. TP trở thành nơi vận hành sống động nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với khu vực kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng… "Những thành tựu này có đóng góp quý báu của kiều bào toàn thế giới, kiều bào đã góp phần mang lại sự tăng trưởng và hội nhập cho TP. Tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất quý báu và chia sẻ thông tin từ kiều bào để giúp DN trong nước có thể tận dụng tốt FTA đã ký kết" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP bày tỏ.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao đổi với các DN Việt kiều. Ảnh: Tấn Thạnh

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao đổi với các DN Việt kiều. Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, nhận định trong EVFTA, có nhiều thách thức lớn cho ngành nông nghiệp của TP, đặc biệt các vấn đề về thông tin, hàng rào kỹ thuật, nhân lực. "Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của DN, doanh nhân kiều bào về thông tin thị trường, chủng loại, tiêu chuẩn an toàn của châu Âu đối với nông sản, giá cả, để định hướng cho nông dân, hợp tác xã sản xuất đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đồng thời, mong kiều bào bằng các mối quan hệ có thể mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm" - ông Nguyễn Phước Trung nói.

Góp ý cho DN trong nước, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, cho rằng DN Việt Nam nên trực tiếp đi khảo sát thị trường để biết được hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn nào có thể tiêu thụ được ở nước ngoài. "Những chuyến đi tìm hiểu thị trường dù nhỏ nhưng có ích, DN Việt nhìn hàng hóa của họ là hiểu ngay mình cần làm ra sao. Vướng mắc của DN Việt thường là thiếu thông tin, quy mô sản xuất hạn chế nhưng kỳ vọng lại quá lớn, nhiều khác biệt về văn hóa tiếp cận" - ông Nam chỉ ra.

Trong khi đó, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho rằng việc khảo sát thị trường xuất khẩu cần được thực hiện bài bản, quy mô. "Từng DN đi không thể thành công được, còn nếu tổ chức thành đoàn hàng chục DN đi thì có thể đặt vấn đề, sắp xếp làm việc được với các tập đoàn, các hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài, từ đó mới có thể có cơ hội xuất khẩu" - ông Hòa nói và cho biết ITPC thường xuyên hỗ trợ các đoàn DN đi khảo sát thị trường nước ngoài.

Tham gia FTA, cần có chương trình huấn luyện, hỗ trợ DN. Trong đó, giúp DN xây dựng, phát triển thương hiệu vì không nước nào muốn nhập hàng của DN không có thương hiệu, đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu ở 7 nhóm sản phẩm chủ lực của TP. Ngoài ra, cần hỗ trợ DN thông tin về hành vi tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng, quy cách bao bì… của 28 quốc gia trong khối châu Âu.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/huan-luyen-doanh-nghiep-tham-gia-evfta-20190912220835232.htm