Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư
Hưng Yên đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ.
3 khâu đột phá đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ: Cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đó là: “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển”.
Hiện nay, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 9 KCN phát triển theo trục giao thông Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực. Trong ngành cơ khí, chế tạo sản xuất chủ yếu các sản phẩm tạo khuôn mẫu, dập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo.
Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể: Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.
Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
Thu hút đầu tư ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Về thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Theo Sở Công Thương Hưng Yên, hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Hưng Yên đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Hưng Yên phát triển đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất, lắp ráp ô-tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... tạo môi trường hình thành mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế giữa cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lắp ráp. Đây là một trong những tiền đề quan trọng trong việc tiếp tục tăng cường mối liên kết trong sản xuất giữa các thành phần kinh tế trong thời gian tới.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp trọng tâm: Trong giai đoạn đến 2025, phấn đấu xây dựng 1 đến 2 khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trước mắt tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Từng bước thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các ngành công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp. Xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như: Xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông và hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy. Đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp các linh kiện, sản phẩm phụ trợ.
Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia vào chuỗi liên kết theo chiều dọc, tạo ra mối liên kết ngành, qua đó tập hợp các doanh nghiệp có mối liên quan trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng từ khâu nguyên liệu, sản xuất... đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng tới tay người tiêu dùng. Chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư, liên kết, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia.
Tích cực triển khai chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ: Ô-tô, điện tử, sản xuất máy móc công nghiệp và nông nghiệp, dệt, công nghệ cao ở một số thị trường mục tiêu Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, các nước ASEAN. Hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và để tiếp nhận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến.