Hungary 'giơ thẻ đỏ' với các phần tử cấp tiến

Câu chuyện đã bắt đầu từ năm 2014, tuy nhiên, đến thời điểm này, xung đột đã lên tới đỉnh điểm. Số là Hungary vừa sửa lại luật, theo đó, rất có thể Trường ĐH Trung ương Châu Âu do tỷ phú Mỹ (gốc Hung - ND) George Soros làm chủ sẽ bị đóng cửa. Quyết định của Chính phủ Hungary đang trở thành đề tài gây tranh cãi ở trong nước cũng như với các quan chức EU.

Từ một quyết định gây tranh cãi

Ngày 4/4, Quốc hội Hungary đã thông qua một sửa đổi về Luật giáo dục, theo đó, các trường đại học ngoài châu Âu không được phép cấp bằng Hungary nếu không nhận được sự đồng ý trước của chính phủ nước này.

Theo các nhà phân tích, đây là bước đi nhằm trực tiếp chống lại Trường Đại học Trung ương Châu Âu (CEU), mà Soros thành lập tại Budapest vào năm 1991. CEU được công nhận ở New York và được phép cấp bằng Mỹ (và, nếu cần thiết có thể cấp cả bằng Hungary). Nhưng ở Mỹ, trường ĐH này không có cơ sở, không có giáo viên hoặc sinh viên. Lý do rất đơn giản - ĐH này thành lập để nhắm vào giới trẻ từ Liên Xô cũ và khối Hiệp ước Warsaw. Mục tiêu chính của CEU là nghiên cứu kinh tế, chính trị và xã hội ở các nước Đông Âu, cũng như phổ biến các ý tưởng của “xã hội cởi mở” và các “giá trị dân chủ”.

Trải qua hơn 20 năm, CEU được xếp hạng trong số các trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường đã thành công trong khoa học, chính trị và kinh doanh, đạt vị trí cao trong lĩnh vực hành chính.

Không phải tất cả đại biểu Quốc hội Hungary đồng ý với những sửa đổi về bộ luật giáo dục này, nhưng số nhất trí là phần lớn: 123/38.

Trong bối cảnh ấy, CEU tuyên bố rằng, các nhà chức trách Hungary xâm phạm tự do học thuật và bắt đầu các cuộc biểu tình hàng loạt. Ngày Chủ nhật, hàng ngàn người đã tụ tập cho một cuộc biểu tình ủng hộ của Đại học Budapest. Lãnh đạo các trường đại học cho biết, họ sẽ tiếp tục chiến đấu, thách thức tính hợp hiến của luật pháp.

Tại sao Hungary có ý định đóng cửa CEU?

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Viktor Orban đi theo đường lối củng cố đất nước trên cơ sở của chủ nghĩa dân tộc bảo thủ. Ông Orban kêu gọi tất cả các tầng lớp trong xã hội phải “hợp tác hiệu quả vì lợi ích của sự thịnh vượng” của đất nước. Và để “hợp tác” chính quyền Orban đã không ngăn cản những người ủng hộ chủ nghĩa tự do và các quyền tự do dân chủ, các biện pháp lập pháp hành chính thích hợp đã được thực hiện. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban với một lập trường cứng rắn trong những năm gần đây liên tiếp mở các cuộc tấn công mới nhằm vào tỷ phú Mỹ George Soros. “CEU lừa đảo trong việc cấp văn bằng. Ông là một tỷ phú không có nghĩa rằng ông có thể đứng trên luật pháp” - Thủ tướng Hungary V.Orban khẳng định. Và chỉ 3 ngày sau đó, đảng “Fides” của V.Orban đã đưa ra một dự luật đòi các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) phải khai báo tài trợ nước ngoài, nếu nó vượt quá 23.000 euro mỗi năm. Trong “danh sách đen” của Chính phủ Hungary, Quỹ “Xã hội mở” của George Soros được xác định đã “bơm” cho các tổ chức phi lợi nhuận khoảng 3,6 triệu USD vào năm 2016.

Theo Phó Chủ tịch đảng “Fides” Szilard Nemeth, quỹ Soros từ lâu đã thúc đẩy lợi ích của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Hungary.

Thủ tướng V.Orban kêu gọi đừng quên Soros là ai. Trở lại vào năm 1984 ông đã tạo ra Quỹ “Open Society” theo cảm hứng cho ông những ý tưởng của các nhà triết học người Áo Karl Popper, người đấu tranh cho các khái niệm về một xã hội cởi mở dựa trên tự do và nhân quyền như trái ngược với một xã hội độc tài. Tại Ba Lan, người sáng lập đảng “Luật pháp và Công lý” Yaroslav Kachinsky cho rằng các tổ chức phi chính phủ của Soros phấn đấu cho “một xã hội không có bản sắc”. Thực tế thì George Soros luôn đứng sau các cuộc “cách mạng màu” ở các nước Đông Âu, gây bất ổn trong khu vực. Bất chấp những cảnh báo từ phía EU rằng đưa ra dự luật giáo dục trên là phạm luật, Hungary vẫn quyết đi theo con đường riêng của mình vì an ninh và ổn định của đất nước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/hungary-gio-the-do-voi-cac-phan-tu-cap-tien-3185656-b.html