Hướng đến tính bền vững trong phát triển sản phẩm chủ lực

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Mê Linh đã có 104 sản phẩm đạt chất lượng từ 3 - 4 sao. Bên cạnh tập trung xây dựng, phân hạng, gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng đến mục tiêu tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm OCOP.

Hướng đến xuất khẩu sản phẩm

Kết thúc Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện Mê Linh đã có 35 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận, cấp sao. Trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm được chứng nhận 3 sao. Theo Phòng Kinh tế huyện, kết quả đạt được đáng khích lệ, tuy nhiên, sản phẩm OCOP của huyện chưa thực sự đa dạng, mới tập trung vào nhóm rau củ, quả. Ngoài các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hầu hết nông sản khác hiện không có bao bì, nhãn mác, chưa được truy xuất nguồn gốc… Đây là những khó khăn đối với việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn tới của huyện.

Trên cơ sở kết quả đạt được và phân tích khó khăn thực tế, UBND huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Triển khai thực hiện Đề án, thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, mời gọi doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… nhằm đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, kênh phân phối hàng hóa trên cả nước.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến hết năm 2022, toàn huyện đã có 75 sản phẩm OCOP (trong đó 24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đã tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; một số sản phẩm được đưa vào các siêu thị, hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, thành, giúp ổn định đầu ra và thu nhập cho các chủ thể. Đáng chú ý, một số sản phẩm OCOP chất lượng 4 sao được xuất khẩu như: Các sản phẩm từ tre của công ty TNHH Huhipro, hoa cúc của công ty TNHH vật tư và giống cây trồng Hà Nội...

Theo đánh giá của các chủ thể OCOP huyện Mê Linh, đa số sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có giá trị cao hơn và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Khánh Phong, năm 2020, đơn vị này đưa 4 loại quả tham gia đánh giá, phân hạng thì có 2 sản phẩm (ổi, đu đủ) đạt 4 sao; sản phẩm táo, bưởi Diễn đạt 3 sao. Giám đốc HTX Nguyễn Thế Lâm cho biết, Chương trình OCOP đã giúp sản phẩm của HTX khẳng định được giá trị cũng như chỗ đứng trên thị trường. Có thời điểm ổi vào vụ, nhiều nơi phải “giải cứu” với giá 5 - 10 nghìn đồng/kg, nhưng sản phẩm của HTX vẫn được đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm với giá 25 nghìn đồng/kg.

Đến hết tháng 3.2023, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN và PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn cho khoảng 1.000 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn có sản phẩm tiềm năng để các chủ thể nắm bắt được kiến thức về quản lý sản xuất và chương trình OCOP; tổ chức khảo sát, hướng dẫn các chủ thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện cơ sở vật chất, hồ sơ liên quan bảo đảm đủ điều kiện tham gia đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm để trình Hội đồng thẩm định TP. Hà Nội công nhận đạt sao đối với sản phẩm tiềm năng của huyện. Hỗ trợ in bao bì nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu Cục Sở hữu trí tuệ cho 43 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể. Hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng OCOP (hỗ trợ biển, bảng, giá kệ trưng bày sản phẩm).

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Trọng Phan, Đề án thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 với định hướng phát triển không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị để từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu đề ra mỗi năm sẽ phát triển, nâng cấp, đánh giá phân hạng từ 20 - 30 sản phẩm OCOP trở lên; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sản phẩm OCOP; tổ chức thường niên các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế; giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP định kỳ thông qua việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thông qua việc áp dụng và chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và quốc tế.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Huyện Mê Linh kiểm tra, đánh giá, phân loại các sản phẩm năm 2023

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Huyện Mê Linh kiểm tra, đánh giá, phân loại các sản phẩm năm 2023

Thêm 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Theo Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2023, huyện Mê Linh tập trung nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kinh doanh cho 20 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng trong năm 2022; tổ chức hội nghị tập huấn, chương trình tham quan, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao kiến thức thực hiện chương trình OCOP huyện cho các chủ thể. Đánh giá, phân hạng 20 - 30 sản phẩm đề nghị TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP; tạo ra 5 - 10 sản phẩm mới có chất lượng, giá trị cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương. Hỗ trợ khoảng 3 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP huyện. Đào tạo, tập huấn 100% cán bộ cấp huyện, xã về kiến thức, kỹ năng tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đào tạo, tập huấn kiến thức, tham gia chu trình OCOP, chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh, bán hàng cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ hộ sản xuất, ký kinh doanh tham gia chương trình. Xúc tiến thương mại và đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP đến tay người tiêu dùng.

Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mê Linh đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 đối với 30 sản phẩm của 11 chủ thể. Trong đó, 12 sản phẩm thuộc nhóm hoa, cây cảnh; 11 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 1 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 6 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ. Sau quá trình làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện thống nhất trình UBND huyện công nhận 28 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao; 1 sản phẩm tiềm năng 4 sao sẽ được UBND huyện Mê Linh sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố công nhận; 1 sản phẩm không đạt yêu cầu, phải hoàn thiện hồ sơ.

Như vậy, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện Mê Linh đã có 104 sản phẩm đạt chất lượng từ 3- 4 sao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Trọng Phan cho biết, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 122 sản phẩm được công nhận OCOP.Theo đó, bên cạnh việc tập trung xây dựng, phân hạng, gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, huyện Mê Linh đang thực hiện nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng đến mục tiêu tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Để thực hiện thành công mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương, thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp. Trong đó, giảm diện tích sản xuất lúa xuống còn 2.000ha; chuyển đổi cơ cấu giống lúa; duy trì và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; duy trì và mở rộng các chuỗi liên kết trên địa bàn nhằm tạo sự ổn định bền vững; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chất lượng cao, chế biến sâu; sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản phục vụ bền vững thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích thiết thực của chương trình OCOP để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tự nguyện đăng ký tham gia.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tin rằng, Chương trình OCOP của huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội )

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/huong-den-tinh-ben-vung-trong-phat-trien-san-pham-chu-luc-i347984/