Hướng đi mới của người Cơ Tu ở Quảng Nam (Bài cuối): 'Hái ra tiền' cùng du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Nam Giang với sự góp sức tích cực của các HTX đã giúp cho bà con thiểu số vừa 'hái ra tiền' và vừa giữ được vốn quý là bản sắc văn hóa truyền thống.

Cách đây 2 năm, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Tà Làng (còn gọi là Ta Lang) của đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Làng xã Bha Lêê, huyện Tây Giang đi vào hoạt động, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách từ các nơi.

Giữ bản sắc người Cơ Tu

Đây cũng là làng du lịch sinh thái cộng đồng duy nhất hiện nay ở huyện Tây Giang. Cách làm du lịch ở làng Tà Làng có những nét riêng là dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng Cơ Tu để xây dựng và phát triển du lịch xanh.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Tà Làng dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng của người Cơ Tu.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Tà Làng dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng của người Cơ Tu.

Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Tà Làng và cũng là một trong những hộ Cơ Tu tham gia mô hình du lịch cộng đồng cho biết: "Từ khi Làng du dịch Tà Làng đi vào hoạt động, thu hút đông khách du lịch thì bà con Cơ Tu ai nấy đều hồ hởi lắm, vui lắm. Già trẻ gái trai cũng đến xem khách họ đến làng mình làm những gì, thích cái gì nên bà con cười, nói vui vẻ rộn ràng lắm".

Tuy vậy, từ tháng 10/2020 đến nay do chịu tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của bão lũ nên Làng du lịch Tà Làng cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông A Lăng Sen, mô hình du lịch này là kết quả của sự nỗ lực của chính quyền và người dân Cơ Tu. Cho nên thời gian tới rất mong sự quan tâm hỗ trợ, khắc phục các khó khăn để Làng du lịch có thể hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong định hướng xây dựng và phát triển du lịch, địa phương đặt ra mục tiêu phát triển nhanh nhưng luôn đặt vấn đề bền vững lên hàng đầu và giữ được bản sắc, vốn quý của dân tộc Cơ Tu.

Còn ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cũng đang phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của người Cơ Tu. Già làng Zuông Noonh, 70 tuổi, cho biết nhờ có mô hình này mà thu nhập của ông được nâng lên khi bán các sản phẩm đan lát cho HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu.

Thôn Parong và 6 thôn còn lại của xã Tà Bhing đều tham gia làm du lịch cộng đồng, mỗi thôn có một nhóm làm du lịch, phụ trách một hoạt động theo thế mạnh sẵn có của từng thôn, như nhóm đời sống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt thổ cẩm và nhóm múa. Người Cơ Tu hàng ngày vẫn làm rẫy, trồng lúa, trồng đậu, đi rừng..., chỉ ngày nào có khách tour đặt trước mới ở nhà đón khách.

Nét đặc sắc của du lịch dựa vào cộng đồng ở Tà Bhing là cách điều phối và phân chia thu nhập công bằng cho cả 7 thôn tham gia làm du lịch. HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu là đầu mối duy nhất nhận tour, nhận khách và phân bổ về các thôn, thôn này đón đoàn này thì thôn kia đón đoàn sau. Mỗi năm, HTX đón trên dưới 40 đoàn khách, 80% là khách Nhật Bản.

HTX cùng góp sức

HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu có thành viên là 7/7 thôn của xã, mỗi thôn có 1 - 2 nhóm hoạt động trong các loại hình: thuyết minh viên, đời sống, ẩm thực, dệt thổ cẩm, văn nghệ truyền thống... Tại mỗi nhóm lại có trưởng nhóm và các hướng dẫn viên riêng.

Làm du lịch cộng đồng vừa giúp người Cơ Tu “hái ra tiền”, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Làm du lịch cộng đồng vừa giúp người Cơ Tu “hái ra tiền”, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Ông Bríu Thương, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu cho biết: Qua hơn 2 năm thành lập, HTX đang vận hành rất tốt, bà con rất phấn khởi với nguồn thu nhập thêm không nhỏ từ du lịch.

Doanh thu từ phí tour của HTX mỗi năm đạt khoảng 600 triệu đồng và từ bán sản phẩm là khoảng gần 1 tỷ đồng. Du khách trong và ngoài nước đều rất ấn tượng với các hướng dẫn viên người Cơ Tu tại chỗ, bởi họ rất am hiểu văn hóa bản địa. Ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn thông thạo tiếng Việt và rất giỏi trong giao tiếp tiếng Anh.

Theo ông Briu Thương, trước đây khi chưa xảy ra dịch Covid-19, mỗi tháng HTX chỉ nhận đón 3 - 4 đoàn du khách, không phát triển ồ ạt, vừa nhằm đảm bảo chất lượng tour, vừa để đồng bào vẫn giữ được tập tục đi làm nương dài ngày và sinh hoạt như bình thường. Như vậy mới đúng là du lịch cộng đồng, không đảo lộn cuộc sống, mô hình sản xuất kinh tế truyền thống vốn góp phần làm nên bản sắc của người Cơ Tu.

Ngoài ra, ở Tà Bhing còn có HTX dệt thổ cẩm Zơ Ra cũng góp phần thu hút khách du lịch. Ban đầu chỉ có một vài thợ dệt, đến nay HTX có khoảng 50 thợ dệt. UBND huyện Nam Giang đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tà Bhing gắn với dự án Thác Grăng, Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra...

Điều đó cho thấy, Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra ngày càng có cơ hội đến với khách du lịch nhiều hơn, góp phần quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Nam Giang với nhiều đổi thay nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu…

Nhờ phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần giúp cho đời sống của bà con Cơ Tu trong xã Tà Bhing được nâng cao với trên 70% số hộ dân sắm được ti vi, phần lớn gia đình đều có xe gắn máy. Hơn 90% số hộ được sử dụng điện chiếu sáng, khoảng 65% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch.

“Tất cả hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn lại trên địa bàn xã, góp phần xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc ở khu dân cư", ông Pơ Loong Hon, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing chia sẻ.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/huong-di-moi-cua-nguoi-co-tu-o-quang-nam-bai-cuoi-hai-ra-tien-cung-du-lich-cong-dong-1081107.html