Hương Tết đã phảng phất ở làng nhang
Cứ vào độ giữa tháng 11 Âm lịch trở đi, khi cái nắng ló dạng trở lại, người ở làng nhang Nghĩa Hòa lại tất bật chuẩn bị cho một mùa vụ bận rộn nhất trong năm, phục vụ cho thị trường Tết. Hương Tết ở làng nhang Nghĩa Hòa đã phảng phất khắp nơi.
Lần theo hương thơm của hương quế và các nguyên liệu làm nhang khác, đi vào sâu vào những con đường bê tông, chúng tôi tìm đến những ngôi làng làm nhang ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Nghề làm nhang ở đây nổi tiếng và lâu đời, tập trung đông nhất phải kể đến ở thôn Hòa Bình. Những ngày này, từ đầu làng đến cuối làng luôn bắt gặp cảnh lao động khẩn trương, rộn ràng ở các hộ gia đình.
Nghề làm nhang phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tranh thủ nắng ráo, nhiều hộ tranh thủ mang nhang ra phơi. Sau khi khô, lên màu đẹp, nhang được bó, cân ký, đóng gói cẩn thận, chất thành từng khu chuẩn bị đưa lên các phương tiện vận chuyển đến nơi phân phối.
Bên trong những xưởng làm nhang, tiếng máy se bột vào tăm, những đôi bàn tay thoăn thoắt lao động cùng tiếng cười nói của người dân càng làm không khí thêm phần xôn xao. Các cơ sở đang tập trung hoạt động hết công sức để phục vụ thị trường Tết. Không khí khẩn trương luôn làm nóng những ngày cuối năm se lạnh.
Các cơ sở làm nhang ở Nghĩa Hòa tất bật vào vụ Tết.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mới, 65 tuổi, ở xóm 1, thôn Hòa Bình nổi tiếng với nhiều đời làm nhang. Đến đời vợ chồng bà ngót nghét cũng 40 năm làm nghề, từ cái lúc về làm dâu ở xứ này bà đã kế nghiệp.
Nghề này tuy “của ăn, của để” không nhiều, cũng chẳng dư dả mấy nhưng lại có nguồn thu nhập ổn định để nuôi các con thành tài. Dù nay các con chẳng mấy ai kế nghiệp thì vợ chồng ông bà ngày ngày vẫn ngồi bên chiếc máy đặt ở trước sân để vừa bầu bạn, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải về già.
“Mấy tháng trước thời tiết thất thường, ngày nắng ráo vợ chồng cố gắng lắm cũng làm được 1 thớt. Bước vào vụ rộ nhất trong năm, ngày hai vợ chồng làm cũng được 3- 4 thớt nhang, có thêm thu nhập để trang trải Tết. Mỗi thớt tương đương khoảng 10.000 cây (22 ký nhang). Đó là cơ sở tôi nhỏ lẻ chỉ bỏ mối cho các cửa hàng trong tỉnh. Còn những cơ sở lớn mỗi ngày cũng sản xuất hàng chục thớt nhang trong thời điểm này”, bà Mới cho hay.
Nghề làm nhang phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Tranh thủ nắng ráo, người dân mang nhang ra phơi để phục vụ thị trường Tết sắp đến.
Cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Huệ, 45 tuổi là một trong những cơ sở lớn ở thôn Hòa Bình. Gia đình bà có 5 anh em trai thì tất cả đều theo nghề này, có cơ nghiệp riêng. Từ cái thời còn làm thủ công thô sơ bằng tay, người làm nghề phải đi hái lá gòn, cây bồ lời xay nát làm keo mang về trộn với bột cưa, hương liệu rồi lấy tăm nhúng vào nhau cho kết dính để làm nhang, cho đến bây giờ khi nghề làm nhang đã áp dụng phương thức sản xuất với máy móc hiện đại, bà đều đã trải qua.
“Vào mỗi dịp gần Tết công việc có phần bận rộn hơn từ chỗ sản xuất nhang cho đến việc vận chuyển sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng 10 năm trở lại đây, việc ứng dụng máy móc vào sản xuất nhang nên chất lượng, năng suất được nâng cao hơn hẳn, vừa nhanh, vừa đều, đẹp, giảm được phần lớn nhân công lao động. Nghề làm nhang vì thế cũng khỏe hơn nhiều”, bà Huệ nói.
Dẫn tôi đi tham quan làng nghề là bà Trần Thị Năm, nguyên là nhân viên phòng kinh tế ở xã Nghĩa Hòa, là người đã có nhiều năm đồng hành cùng những thăng trầm cùng nghề làm nhang ở đây. Bà cho hay, toàn xã Nghĩa Hòa có 61 cơ sở làm nhang, với sự tham gia của khoảng 102 hộ bao gồm nhân công, người làm nghề và chủ cơ sở.
Mỗi năm, các làng nhang ở Nghĩa Hòa cung cấp ra thị trường khoảng 125 tấn, đặc biệt là vào dịp Tết. Năng suất tăng gần gấp đôi, lượng tiêu thụ gấp 3- 4 lần nhờ vào có nguồn nhang sản xuất, dự trữ quanh năm. Tết là mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm do nhu cầu thắp nhang để thăm viếng, cúng ông bà, tổ tiên tăng cao.
Cận Tết, mỗi ngày vợ chồng bà Mới cũng sản xuất ra được 3- 4 thớt nhang mỗi ngày.
Nhang Nghĩa Hòa đến với nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ.
Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu quế ở địa phương khá dồi dào, cộng với ý thức cho sức khỏe của người tiêu thụ nên một số hộ cũng đã hạn chế phần nào hóa chất trong sản xuất, chuyển dần sang sản xuất nhang sạch.
Cùng với nhang bắc làm từ bột bắc mua từ các tỉnh phía Bắc thì nhang quế là những mặt hàng phổ biến của nhang Nghĩa Hòa, được thị trường ưa chuộng nhất. Thị trường tiêu thụ rộng hơn, không chỉ gói gọn trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum... Tùy theo kích cỡ, số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu mà giá cả khác nhau nhưng giá luôn giữ ở mức ổn định, dù là ngày thường hay ngày Tết. Đời sống của người lao động làm nhang ở các cơ sở cũng được cải thiện, mức trung bình khoảng 250.000 đồng/ngày.
Tết đến Xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, nồi bánh chưng xanh, mỗi gia đình đều không quên những nén nhang để thắp lên bàn thờ gia tiên, để vị Tết thêm đậm đà. Theo chân người, với bí quyết và hương thơm đặc trưng của làng nghề, nhang Nghĩa Hòa đã góp phần làm nên hương vị Tết Việt đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngày Tết đang cận kề, người làm nhang đều trông đợi vào thời tiết để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho dịp cuối năm, bởi năm nay dịch Covid- 19, mưa bão triền miên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân ở đây.