Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, công tác dân số đã có sự cụ thể hóa về nội dung, nhiệm vụ, biện pháp, cơ bản các nội dung đều đạt hoặc vượt so với mục tiêu đặt ra. Trong đó, một số thành tựu tiêu biểu như: Hệ thống pháp luật, chính sách về dân số ngày được hoàn thiện; tổ chức bộ máy, cán bộ được củng cố, bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ; các biện pháp tránh thai (BPTT) được cung cấp kịp thời cho đối tượng với dịch vụ đa dạng và chất lượng; tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng BPTT hiện đại tăng từ 56,64% năm 2016 ước đạt 63% năm 2020; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh nâng từ 3,5% năm 2016 lên 35% năm 2020, tỷ lệ được sàng lọc sơ sinh từ 4,2% năm 2016 lên 35,7% năm 2020; tỷ lệ người cao tuổi (NCT) được khám sức khỏe định kỳ từ 35% năm 2017 lên 58% năm 2020; từ năm 2016 - 2019 đã rà soát được gần 3.000 đối tượng là phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số và thực hiện chi trả cho 2.511 đối tượng với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống hậu cần cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được quan tâm, công tác truyền thông, vận động dân số (DS) - KHHGĐ được đẩy mạnh.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông triển khai mô hình “Bản không tảo hôn và không kết hôn cận huyết thống” tại bản Tìa Ghênh A, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông).

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số được chú trọng phát triển: Đến năm 2020, Chi cục DS-KHHGĐ có 18 biên chế; hệ thống tuyến huyện, thành phố đủ mạnh để tổ chức triển khai nhiệm vụ; tuyến xã có 152/152 viên chức y tế làm công tác dân số xã tại các trạm y tế xã; tại thôn có 2.178 cộng tác viên dân số, trong đó 1.701 là nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số. Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức dân số huyện, xã với nhiều hình thức, phù hợp với thực tế nhiệm vụ được giao.

Mặc dù đạt những kết quả khả quan, nhưng công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng mang thai ngoài ý muốn nhất là ở vị thành niên và thanh niên có xu hướng tăng (từ 17,67% năm 2016 lên 20% năm 2020); các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh chưa được đầu tư đúng mức; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao (gấp 1,32 lần so với toàn quốc); tỷ lệ nhiễm HIV/dân số còn cao (0,57%); tỷ số giới tính khi sinh không đồng đều giữa các vùng (thành thị là 109,9 trẻ trai/100 trẻ gái, nông thôn là 103,6 trẻ trai/100 trẻ gái) nguy cơ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Người dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm trên 82%, trình độ dân trí không đồng đều đã ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế…

Bên cạnh đó, chất lượng dân số tuy đã được cải thiện song còn thấp so với cả nước. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiệu quả chưa cao, tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên hiệu quả chưa cao; chất lượng dịch vụ dân số còn hạn chế ở các địa bàn vùng khó khăn, dịch vụ hỗ trợ sinh sản mới chỉ được triển khai tại tuyến tỉnh với chi phí cao; các dịch vụ tư vấn, khám tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh chưa được đầu tư đúng mức. Mặt khác, mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng còn hạn chế, chưa qua đào tạo.

Bác sĩ Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Công tác dân số giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh tiến tới duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giữ vững tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191636/huong-toi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung