Hương vị tình thương

Còn gì buồn hơn những ngày mưa dầm dề.

Ở cái miệt này, năm chỉ hai mùa nắng – mưa. Mà mưa thường là mưa dầm, vắt từ ngày này sang ngày khác, có khi kéo dài tuần này sang tuần khác. Trời cứ treo bộ mặt âm u hoài chẳng chịu nở nụ cười, đến độ nhìn trời hoài đầu đâm ra rưng rức nhức.

Nó sợ những ngày mưa dầm, không ai làm gì mình mà trong lòng cũng dâng nỗi buồn vô cớ, chẳng hiểu vì sao lại buồn. Mưa dầm thành ra nước ngập mênh mông, từ vườn, ra ao, tới ruộng. Một màu đùng đục, trăng trắng. Thấy thương cánh đồng vừa gieo sạ nửa tháng trước, giờ ngập tràn vầy thì đành chịu mất trắng, khi nào nước rút, sạ lại. Nông dân luôn luôn khổ vậy, trời hạn cũng khổ mà trời mưa dầm cũng khổ. Mấy nhà gần mương cái hay gần suối thì càng khổ hơn, mưa dầm là hồ xả lũ, nước lụt về ngập tới hiên nhà, đành cố thủ trong nhà chẳng đi đâu được.

Hồi nhỏ, những ngày mưa dầm là một nỗi ám ảnh. Nhà nấu bếp củi mà chẳng có chái bếp để trữ củi khô, đống củi để ngoài trời, che tạm bằng cái bạt ghép từ mớ bao cũ. Mưa dầm dề vầy thì nước thấm qua lớp bao mỏng manh, khiến củi ẩm ướt. Không có nắng, củi chẳng thể phơi ráo được, thành ra khi nấu khói đặc và cay xè. Có những thanh củi ướt, khi nấu cứ xì nước xèo xèo, khói phun ra thành cuộn trắng, đặc quánh đến độ tưởng chừng nắm được trong lòng bàn tay. Ám ảnh nhất là lúc chụm bếp, củi ướt khó bén lửa, cứ phải lấy bịch ni lon đốt để mồi lửa. Ni lon cháy nhanh, thành ra mấy lần bị bỏng tay, tới giờ vẫn còn một vết sẹo to đùng nơi ngón trỏ của bàn tay phải.

Củi ẩm, khói cay, lửa cháy chẳng đượm, chật vật lắm mới nấu xong bữa cơm. Nhiều bữa cơm còn bị khê, vần đi vần lại vẫn khê nồng mùi khói. Ba ăn cằn nhằn nấu có bữa cơm cũng không nên nết, chỉ biết cúi gằm mặt không dám giải thích gì. Thành ra những ngày mưa dầm là những ngày ám ảnh nhất.

Nhưng, mưa dầm cũng là ngày mà má sẽ ở nhà nhiều hơn. Má sẽ bày làm món này món kia cho lũ con ăn đỡ thèm. Trong gian bếp nhỏ, má cần mẫn ngồi đổ bánh xèo. Phải ngâm gạo qua đêm rồi dùng cối xay thành bột, giã thêm ít nghệ tươi cho màu bánh vàng đẹp mắt. Vịt nhà nuôi nên lúc nào cũng có sẵn, chịu khó làm, bằm thiệt nhuyễn cả xương, ướp gia vị cho thơm. Vậy là có đầy đủ nguyên liệu để đổ bánh rồi. Mưa lạnh mà ngửi hơi bánh xèo nóng, thơm phức mùi mỡ, mùi hành lá, thịt vịt thì còn gì ngon bằng. Mấy chị em háo hức, hau háu chờ đợi má đổ xong mâm bánh xèo để được ăn bữa ngon lành. Ngồi chờ mà đứa nào đứa nấy nuốt nước miếng ừng ực. Má cười hiền: chờ xíu đổ xong rồi ăn, làm như chết thèm vậy mấy đứa.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Rồi cái giây phút chờ đợi cũng tới, mâm bánh xèo được dọn ra giữa nhà. Thêm dĩa rau quế, rau ngò, đọt chùm ruột, cải đắng ngoài vườn. Thêm chén nước mắm ớt cay xè vừa ăn vừa hít hà. Lũ con ngấu nghiến ăn như thể chưa từng được ăn bao giờ. Má vẫn ngồi cười hiền nhìn lũ con ăn ngon lành. Hỏi chớ sao má không ăn, má nói nghỉ mệt xíu mới ăn được, mấy đứa ăn trước đi cho đã thèm. Rồi đợi tới khi đàn con đã no nê, má mới vét mấy cái bánh xèo còn lại trên mâm, từ tốn ăn, vừa ăn vừa cười hạnh phúc nghe lũ con khen bánh xèo ngon quá xá trời đất.

Mà thiệt, bánh xèo của má là ngon số dách chẳng nơi nào ngon bằng. Sau này lớn lên, đi đây đi đó nhiều nơi, cũng ăn thử bánh xèo nhiều quán khác nhau nhưng chẳng nơi đâu có được hương vị đặc trưng như bánh xèo má đổ. Có lẽ những chiếc bánh của má thấm đượm thứ hương vị tình yêu thương nên nó thơm thứ mùi đặc biệt, lưu giữ hoài trong ký ức chẳng mùi hương nào thay thế được. Bởi vậy mỗi lần mưa dầm, ngồi nhìn màn mưa mỏng đều đều giăng khắp chốn, nghe hơi lạnh thấm vào da buốt giá, bỗng lại thèm được ngửi mùi bánh xèo nóng, được quây quần thèm thuồng chờ má đổ xong mâm bánh, rồi được giành nhau ăn, liếm láp mấy ngón tay bóng mỡ.

Chiều nay, mưa dầm dề hoài chẳng dứt. Má ơi, con nhớ má!

KHÁNH NGÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/huong-vi-tinh-thuong-125145.html