Hút thuốc lá - Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thuốc lá không những gây ung thư phổi mà nó còn gây ra nhiều bệnh phổi khác như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp. Những bệnh này nếu kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, dẫn đến tử vong. Nguyên nhân hàng đầu gây ra COPD hiện nay là thuốc lá (tỷ lệ người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với người không hút thuốc).

Mỗi năm có hàng triệu người chết vì COPD

Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đâu gây ra các bệnh về phổi, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đâu gây ra các bệnh về phổi, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, làm cho dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu môi phổi và các tổ chức khác trong cơ thể. Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở (do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc), gây co thắt đường thở. Nhiều thông số chức năng thông khí ở người hút lá thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) giảm rất nhiều.

Khói thuốc làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên, biểu hiện bằng tốc độ tăng FEV1 chậm lại. Ở lứa tuổi từ 20 - 30, các bệnh lý gây ra do hút thuốc xuất hiện sớm. Ở lứa tuổi trên 30, nếu hút thuốc thì tốc độ giảm FEV1 sẽ tăng gấp đôi so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

Mỗi năm có hàng triệu người chết do COPD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD là 6,7% dân số (cao nhất trong 12 nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương); tỷ lệ mắc COPD ở những người từ 40 tuổi trở lên là 4,2% (trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới 1,9%). Có hai loại chính của căn bệnh quái ác này và một số người có thể mắc cùng lúc cả hai loại gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm lớp niêm mạc của các ống phế quản. Các lớp lót trong các ống phế quản phổi bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này làm hẹp đường thở của bệnh nhân. Khí phế thũng sẽ gây tổn hại các túi khí (phế nang) trong phổi và làm cho bệnh nhân dần khó thở hơn. Khi mất phế nang trong phổi, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hơn.

Thuốc lá - thủ phạm chính gây bệnh

Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra COPD, có khoảng 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng COPD và 80-90% người mắc COPD là người nghiện thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do bệnh COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do bệnh COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây COPD, như: Khói hóa chất, bụi, ô nhiễm không khí trong nhà (đốt các nhiên liệu trong quá trình sưởi hoặc nấu ăn), ô nhiễm không khí ngoài trời, bụi nghề nghiệp và hóa chất, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.

Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

Bệnh này ảnh hưởng đến hệ hô hấp, có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng gây khó thở, như: Ho kéo dài, ho có đờm (đờm màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây, đôi khi có thể đi kèm vệt máu), bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (cúm và cảm lạnh), khó thở (đặc biệt khi gắng sức), cảm giác thắt chặt ở ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh.

Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện, như: Bệnh nhân cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện được, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc màu xám, rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh. COPD có nguy cơ bị các biến chứng sau: Rối loạn nhịp tim, suy tim, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi nặng do virus hoặc nấm).

Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD, phương pháp tốt nhất để đối phó là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng. Mục tiêu điều trị bao gồm: Giảm các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Vắc-xin ngừa bệnh cúm và phế cầu là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nhiễm trùng hô hấp và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Để phòng, tránh căn bệnh này, hãy nhanh chóng thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, lấy lại khả năng hoạt động bình thường và làm chậm tiến triển của bệnh. Việc đầu tiên bạn cần làm là bỏ hút thuốc và tránh các chất kích thích phổi (ô nhiễm không khí, hóa chất, bụi). Khám sức khỏe thường xuyên, tái khám đúng hẹn và đầy đủ. Tiêm vắc-xin phòng cúm và viêm phổi do phế cầu. Có chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ calo, tích cực hoạt động thể chất, trong đó cách đơn giản nhất là thường xuyên tập thể dục để làm giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện sức khỏe.

Mỹ Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/415550/hut-thuoc-la-nguyen-nhan-hang-dau-gay-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh.html