Huy động bác sĩ từ 9 chuyên khoa cứu bé sơ sinh mắc bệnh tim

Vừa chào đời 8 ngày, bé sơ sinh phải lên bàn mổ, chuẩn bị ca đại phẫu do mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp.

Sáng 26/12, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết đơn vị này vừa phối hợp liên chuyên khoa để chẩn đoán trước sinh, mổ lấy thai, can thiệp cấp cứu và phẫu thuật cho trẻ sơ sinh 8 ngày tuổi bị hoán vị đại động mạch. Đây là bệnh lý tim mạch bẩm sinh phức tạp và nguy hiểm. Lúc phát hiện trẻ mắc bệnh, thai kỳ mới chỉ ở tuần thứ 22.

Trước đó, sản phụ 24 tuổi (giáo viên mầm non, ngụ TP.HCM) đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thăm khám và theo dõi do cấu trúc tim thai bất thường. Các bác sĩ chẩn đoán thai nhi mắc bệnh hoán vị đại động mạch (động mạch phổi và động mạch chủ hoán đổi vị trí cho nhau khiến máu không có oxy nuôi cơ thể).

Ngày 21/11, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai. Sau khi cắt rốn, em bé lập tức được chuyển sang phòng Can thiệp nội mạch (DSA) để cấp cứu.

“Đúng như tiên lượng từ thời kỳ bào thai, tình trạng bé khi siêu âm cho thấy cần phải được can thiệp cấp cứu khẩn cấp do khả năng trộn máu trong tim rất kém”, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhận định.

Để chuẩn bị chu đáo cho ca đại phẫu, ê-kíp mổ đã huy động các bác sĩ từ 9 chuyên khoa gồm: Phụ Sản, Phẫu thuật tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê - Hồi sức, đơn vị Đơn nguyên sơ sinh, Hình ảnh tim mạch, Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh, Hồi sức Phẫu thuật tim mạch và Can thiệp nội mạch.

 PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đang siêu âm tim kiểm tra cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đang siêu âm tim kiểm tra cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Ngày 29/11, bé gái được 8 ngày tuổi, ThS.BS Cao Đằng Khang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cùng ê-kíp tiến hành phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho bé.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Tình trạng sức khỏe của bé phục hồi tốt, không xảy ra hiện tượng viêm phổi, nhiễm trùng nặng, suy thận, suy gan… Bé có thể tự uống sữa và được xuất viện.

TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khuyến cáo người dân nên tầm soát đầy đủ theo từng chu kỳ của thai nhi nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, bệnh lý bẩm sinh.

Trong trường hợp này, sản phụ không xuất hiện triệu chứng bất thường nhưng thai nhi lại có. Nếu không tầm soát và chẩn đoán sớm, cả mẹ và bé sẽ không được theo dõi sát, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/huy-dong-bac-si-tu-9-chuyen-khoa-cuu-be-so-sinh-mac-benh-tim-post1029509.html