Huy động nguồn lực xây dựng các khu, cụm công nghiệp

Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ được tỉnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ được tỉnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua. Cùng với các KCN, CCN, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ tạo đà cho các ngành kinh tế phát triển, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hội nhập.

Xưởng dệt tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản.)

Đến nay, toàn tỉnh có 5 KCN đã và đang được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác gồm: Hòa Xá, Bảo Minh đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ và đã lấp đầy 100%; KCN Dệt may Rạng Đông (503,38ha) đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn II, đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư; KCN Mỹ Trung đã được đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật; KCN Mỹ Thuận đã được khởi công xây dựng; KCN Bảo Minh mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng và đang được tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công hạ tầng. Toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng 24 CCN với tổng diện tích 495,21ha. Trong đó có 22 CCN với tổng diện tích 445,41ha đã đi vào hoạt động; đang tập trung đầu tư xây dựng 2 CCN mới gồm: CCN Yên Bằng (Ý Yên) với quy mô 50ha (trong đó: đất tại xã Yên Bằng là 36,37ha, đất tại xã Yên Hồng là 13,63ha), CCN Thanh Côi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) quy mô 49,8ha. Việc đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đã tạo được mặt bằng ổn định, thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp tham gia phát triển đa dạng các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong năm 2021, tại các KCN có 5 dự án đăng ký mới, trong đó có 3 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.342 tỷ đồng và 2,6 triệu USD; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 lượt dự án, trong đó có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm là 13,2 triệu USD và 29,8 tỷ đồng. Đến nay, trong các KCN của tỉnh có 184 dự án đầu tư của 160 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 53 dự án của 49 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 7.987 tỷ đồng và 1,021 tỷ USD, vốn thực hiện là 5.239 tỷ đồng và 700,226 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy ở các CCN, tương đối cao. Nhiều CCN, nhất là các CCN phục vụ việc di dời, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề thu hút đầu tư đạt hiệu quả khá, tỷ lệ lấp đầy bảo đảm được mục tiêu đề ra như các CCN: Vân Chàng, Đồng Côi, La Xuyên, Xuân Tiến... Trong năm 2021 đã có 31 dự án mới đầu tư vào các CCN với tổng mức đầu tư khoảng 761,7 tỷ đồng thu hút khoảng 1.300 lao động. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh là 516 đơn vị với tổng số vốn đăng ký là 4.866,2 tỷ đồng, đã thực hiện 4.026,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 21.815 lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các KCN, CCN hoạt động ổn định, đóng góp chung vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp. Đặc biệt, việc chủ động đầu tư các khu, CCN đáp ứng quỹ đất công nghiệp là một trong những yếu tố tiên quyết nâng cao sức thu hút, quyết định lựa chọn Nam Định là điểm đến của các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, quy mô lớn. Riêng năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 90% so với mục tiêu về tổng số vốn thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Tỉnh ủy; số vốn đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay.

Năm 2022, tỉnh chủ trương đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh tại CCN Yên Dương (Ý Yên) và các KCN gồm: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Bảo Minh mở rộng; KCN Mỹ Thuận, KCN Mỹ Trung. Trong đó, KCN Dệt may Rạng Đông quy mô 503,38ha (Nghĩa Hưng) hiện mới lấp đầy 10,63%, có khả năng cung ứng mặt bằng sạch thuộc ngành dệt may và công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may (đối với lĩnh vực dệt nhuộm, chỉ tiếp nhận các dự án có công đoạn nhuộm để hoàn thiện sản phẩm). KCN Bảo Minh mở rộng quy mô diện tích 44,68ha (Vụ Bản) dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng trong năm 2022, cung ứng mặt bằng sạch cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, vật liệu xây dựng cao cấp, các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng, dịch vụ kho bãi, logistics, gia công, chế biến gỗ, đồ gỗ xuất khẩu, in bao bì. KCN Mỹ Thuận quy mô 158,62ha (Mỹ Lộc) đang trong giai đoạn đầu xây dựng, dự kiến hoàn thành xây dựng hạ tầng trong năm 2022 cung ứng mặt bằng sạch cho các ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện, điện tử (không bao gồm xi mạ), chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng (không bao gồm luyện kim), may mặc, sản xuất các sản phẩm từ giấy, gia công giày dép, thiết bị nội thất, sản xuất các sản phẩm từ nhựa (không bao gồm sản xuất giấy, dệt nhuộm, thuộc da). KCN Mỹ Trung quy mô 148,15ha (huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định) đã hoàn thành xong công tác san lấp, đã được đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống viễn thông) cung ứng mặt bằng sạch cho các ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện tử, chế biến nông sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp dệt may. Để tăng nhanh năng lực cung ứng quỹ đất công nghiệp sạch cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh đôn đốc các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, CCN như: giai đoạn II KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận; CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy); CCN Thanh Côi (Vụ Bản); CCN Yên Bằng (Ý Yên)… Hoàn thiện thủ tục sớm khởi công xây dựng mở rộng KCN Bảo Minh (Vụ Bản), KCN Trung Thành (Ý Yên).

Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển các KCN như: KCN Hải Long 1.100ha (Giao Thủy), KCN Tân Thịnh 400ha (Giao Thủy), KCN Nam Hải Hậu 300ha (Hải Hậu), KCN Thượng Thành 200ha (Xuân Trường), KCN Xuân Hồng 190ha (Xuân Trường), KCN Thanh Đạo 120ha (Trực Ninh)... để làm căn cứ thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng. Đồng thời, tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, CCN, bao gồm: KCN Xuân Kiên 200ha tại huyện Xuân Trường, KCN Hồng Tiến 114ha tại huyện Ý Yên, KCN Việt Hải quy mô 100ha tại huyện Nam Trực./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202203/huy-dong-nguon-luc-xay-dung-cac-khu-cum-cong-nghiep-2549486/