Huyện biên giới Sông Mã kỷ niệm 70 năm ngày thành lập
Tối ngày 2/3, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (7/3/1953 - 7/3/2023).
Truyền thống hào hùng…
Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Sông Mã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước; năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Ngày 7/3/1953, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập châu Sông Mã, thuộc tỉnh Sơn La. Việc thành lập châu Sông Mã có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Sông Mã, một vùng biên giới hẻo lánh, có vị trí xung yếu ở khu Tây Bắc.
Khi mới thành lập, châu Sông Mã có 2.400 hộ dân với khoảng 15.000 người. Dù vậy, vẫn có những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện lúc bấy giờ đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động; chi viện cao nhất cho chiến trường C.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về điều chỉnh một phần nhân lực ở miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới ở miền núi, năm 1961, Sông Mã đã đón đồng bào huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lên phát triển kinh tế. Những năm tiếp theo, Sông Mã tiếp tục đón đồng bào Hưng Yên, Hà Tây lên thành lập các hợp tác xã và đội nông trường ở nhiều xã dọc dòng Sông Mã.
Hiện nay, huyện Sông Mã có 18 xã, 1 thị trấn; 331 bản, tổ dân phố với hơn 160.000 người thuộc 6 dân tộc chủ yếu. Huyện có đường biên giới dài hơn 43,5 km, giáp với các huyện: Mường Ét, Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Các xã Mường Sai, Mường Cai, Chiềng Khương, Mường Hung nằm dọc tuyến biên giới Việt – Lào, có cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư huyện Sông Mã cho biết, những năm qua, huyện luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, huyện có vùng kinh tế dọc sông Mã và quốc lộ 4G, đóng vai trò là vùng kinh tế chủ lực của huyện. Sông Mã đang tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
“Chúng tôi luôn quan tâm đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất tại các xã vùng cao. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, phát triển cây ăn quả và trồng rừng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Hùng nói.
Vươn tầm châu lục…
Huyện Sông Mã có 10.662 ha cây ăn quả với sản lượng đạt trên 90.000 tấn quả/năm. Đặc biệt, huyện đã tạo được vùng chuyên canh cây nhãn với diện tích trên 7.500 ha; sản lượng đạt hơn 71.000 tấn quả chất lượng cao và được cấp chứng nhận bảo hộ. Cùng với đó, huyện đã xây dựng 2.762 lò chế biến long nhãn phục vụ xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng trong và ngoài nước, bước đầu tiếp cận được các thị trường tiềm năng như: Châu Âu, Úc, Trung Quốc…
Ngành chăn nuôi được huyện Sông Mã quan tâm phát triển, nhất là đại gia súc gắn với trồng cỏ. Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện hiện là hơn 1 triệu con. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển; hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Thu ngân sách của huyện tăng trưởng qua các năm (năm 2022 đạt 197 tỷ đồng, vượt 29% dự toán tỉnh giao).
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội được huyện quan tâm phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao rõ rệt. Toàn huyện Sông Mã có 53 trường học, trong đó 47 trường đạt chuẩn quốc gia. Các xã, thị trấn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 99%...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà huyện Sông Mã đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Khánh đề nghị, Đảng bộ huyện Sông Mã cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chế biến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các loại cây ăn quả. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao. Coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Tiếp tục nâng cao mức sống, thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và tỉnh Sơn La đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tập thể, 3 Huân chương lao động hạng Nhất; 2 Huân chương lao động hạng Nhì, 4 Huân chương lao động hạng Ba cho các tập thể; 4 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhân dịp này, huyện Sông Mã đã công bố xã Mường Lầm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; cắt băng khánh thành trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Mường Lầm. Đồng thời khai trương Trung tâm điều hành thông minh huyện Sông Mã (IOC) và tổ chức khánh thành tuyến đường Hùng Vương, Quảng trường 3/2 và cầu tổ 5.