Huyện Đà Bắc thực hiện nghị quyết về phát triển chăn nuôi đại gia súc: Bước đi mang tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội
Từ là một hộ thuần nông như bao hộ khác ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc), cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa, ngô. Thế nhưng, từ khi mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt, đời sống, kinh tế gia đình anh Lường Văn Sương đã từng bước vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá nhất xã.
Your browser does not support the audio element.
Không chỉ gia đình anh Sương, thời gian qua, từ việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhiều hộ ở huyện Đà Bắc có hoàn cảnh khó khăn đã từng bước vươn lên trở thành hộ sản xuất giỏi. Như gia đình ông Xa Van Ơn ở xóm Túp, xã Tiền Phong. Có thời kỳ đời sống quá khó khăn, gia đình ông đã chuyển vào Nam làm ăn. Nhưng ở vùng đất mới cuộc sống cũng không khấm khá hơn, gia đình ông quay trở lại định cư tại xóm Túp. Về quê cũ, không cam chịu đói nghèo, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 3 con bò sinh sản. Sau 3 năm đàn bò phát triển lên hơn chục con. Mới đây, ông bán vài con vừa để trả nợ ngân hàng, vừa cho con đầu tư nuôi cá lồng, phần còn lại ông dự định tiếp tục đầu tư mua bò sinh sản. Theo ông chia sẻ, việc đầu tư cho chăn nuôi đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là khi hệ thống đường giao thông của xã với vùng bên ngoài được kết nối thông suốt. Ở Tiền Phong không chỉ có gia đình ông Xa Văn Ơn mà còn nhiều gia đình với sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền cũng đã đi lên từ 2 bàn tay trắng nhờ việc đầu tư chăn nuôi đại gia súc.
Có được điều này là do những năm qua, huyện Đà Bắc đã xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng chí Bùi Văn Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Nánh Nghê cho biết: Ngay khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nắm chắc, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nghị quyết. Từ đó tạo đà phát triển mạnh ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng.
Với việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án xây dựng mô hình nuôi vỗ béo trâu, bò, tập huấn chuyển giao KHKT áp dụng trong sản xuất như đưa bò đực giống, bò cái của một số giống bò lai để lai tạo với bò cái nền hiện có của địa phương đã góp phần cải tạo đàn bò giống. Đến nay, giống bò lai trên địa bàn huyện đã tăng lên khoảng 35% tổng đàn bò. Cùng với đó, trồng các loại cây làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh được người dân áp dụng rộng rãi. Các xã, thị trấn phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn của huyện có kế hoạch rà soát, từng bước xây dựng lại đàn giống, bình tuyển giống để chọn lọc, phát triển giống trâu, bò tốt, loại thải những giống đã thoái hóa, năng suất, chất lượng kém. Đồng chí Hoàng Văn Đảm, Phó Bí thư TT Huyện ủy cho biết: Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngành chăn nuôi của huyện đã có bước phát triển mới. Đặc biệt, chăn nuôi trâu, bò đạt được kết quả đáng ghi nhận, tổng đàn trâu, bò hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu về sản lượng của ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi trâu, bò nói riêng cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến nay, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò 18.467 con. Trong đó, đàn trâu 9.052 con, đàn bò 9.415 con.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2020, giá trị thu nhập từ ngành chăn nuôi của huyện đạt 385.279,24 triệu đồng, riêng trâu, bò đạt 9.319,08 triệu đồng, chiếm khoảng 2,41% tổng giá trình ngành chăn nuôi của huyện; tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 25 - 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại tập trung với số lượng đàn lớn như các gia đình: Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum có đàn bò 100 con; Triệu Văn Đồng ở xóm Mạ, xã Tú Lý có đàn trâu, bò 25 con; Lý Văn Thanh ở xóm Lăm, xã Đoàn Kết có đàn trâu, bò 26 con... Với những kết quả đã đạt được cho thấy phát triển chăn nuôi đại gia súc là bước đi có tính đột phá về phát triển KT-XH của huyện Đà Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện trong thời kỳ đổi mới.