Huyện Lạc Thủy thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác tôn giáo trên địa bàn.

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác tôn giáo trên địa bàn.

Bí thư chi bộ thôn Đồng Danh, xã Phú Thành (Lạc Thủy) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư hộ giáo dân, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Bí thư chi bộ thôn Đồng Danh, xã Phú Thành (Lạc Thủy) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư hộ giáo dân, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Qua rà soát tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện không có tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” hoạt động. Tuy nhiên, tại xã Yên Bồng có 2 công dân (là vợ chồng) tham gia "Hội Thánh của Đức Chúa Trời” trên mạng internet, thông qua ứng dụng zoom theo đường link liên kết của kênh Youtube "Hội Thánh của Đức Chúa Trời” vào các khung giờ: 20h thứ Ba; 9h và 15h thứ Bảy hằng tuần. Đảng ủy, UBND xã Yên Bồng đã chỉ đạo công an và các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động 2 công dân trên không tham gia "Hội Thánh của Đức Chúa Trời” dưới mọi hình thức. Hiện, hai vợ chồng đã đi khỏi địa phương hơn 5 tháng, người nhà cho biết hai vợ chồng đi làm ăn ở Hà Nội nhưng không nói địa chỉ cụ thể và không liên lạc với gia đình.

Theo thống kê, toàn huyện có 72 cơ sở tín ngưỡng, gồm đình, đền, miếu, phủ tại các xã, thị trấn. Hoạt động tín ngưỡng chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian một cách thuần túy, đúng với phong tục, tập quán, đạo đức của dân tộc. Trên địa bàn huyện có 2 tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) với trên 15.000 tín đồ. Các tín đồ tôn giáo có ở 10/10 xã, thị trấn của huyện.

Các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo; không có hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, kích động tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh trật tự. Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo”, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương.

Các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo, tín đồ tôn giáo sinh hoạt bình thường theo pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân; cử cán bộ, công chức tham dự các lớp tập huấn công tác tôn giáo. Việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và nhân dân đảm bảo kịp thời, phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành và thực thi pháp luật trong cán bộ, công chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: UBND huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ trong hoạt động và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức gặp mặt, thăm, tặng quà các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhân dịp Tết cổ truyền, các ngày lễ trọng; kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo để có biện pháp giải quyết phù hợp. Hiện trên địa bàn huyện không có hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo; đất đai của các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được sử dụng đúng mục đích, không có khiếu kiện liên quan đến đất đai tín ngưỡng, tôn giáo.

Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ cấp huyện đến cấp xã để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình hiện nay.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/194827/huyen-lac-thuy-thuc-hien-phap-luat-ve-tin-nguong,-ton-giao.htm