Huyện Mường Ảng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc
Là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên với đặc thù gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm gần đây, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy hiệu quả, giúp Mường Ảng khắc phục khó khăn về hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Trong 5 năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án như Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới... kinh tế khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mường Ảng tiếp tục có bước phát triển ổn định.
Theo báo cáo của UBND huyện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành Nông - Lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp - Dịch vụ. Lĩnh vực trồng trọt đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Năng suất các loại cây trồng tăng do áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh. Sản phẩm trồng trọt đã cơ bản đảm bảo về nhu cầu lương thực thực phẩm trong huyện.
Riêng công tác thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới, huyện Mường Ảng đạt được những kết quả rất khả quan. Tính đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trung bình đạt 11,3 tiêu chí nông thôn mới/xã, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí. Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Các công trình thủy lợi cơ bản cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được quanh năm; 128,3km đường nội bản, liên bản được cứng hóa. 100% số xã được phủ sóng viễn thông, 100% số xã có điện lưới quốc gia, 96% số bản có điện và 97,1% số hộ được dùng điện lưới. 100% số trạm y tế có cơ sở hạ tầng bảo đảm quy định của Bộ Y tế, 100% số hộ gia đình thị trấn được sử dụng nước sạch, 98% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện giảm từ 30,85% cuối kỳ năm 2019 xuống còn 22,13% cuối kỳ năm 2023.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn huyện hiện có 10 sản phẩm OCOP. Mường Ảng đang tập trung chỉ đạo vận động người dân mở rộng diện tích các sản phẩm trên, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; đảm bảo tăng năng suất, tăng diện tích và chất lượng theo đúng thương hiệu của sản phẩm OCOP. Huyện cũng quyết tâm từng bước phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Đối với thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Mường Ảng đã tổ chức thực hiện các nội dung của 8/10 dự án thuộc Chương trình.
Về công tác đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tính đến 30.9.2024, Huyện đã đầu tư xây dựng 72 công trình (gồm 22 công trình đường giao thông, 13 trường học, 19 nhà văn hóa, 7 công trình nước sinh hoạt và 11 công trình thủy lợi); duy tu, bảo dưỡng 30 công trình trên địa bàn các xã, thị trấn.
Cơ quan chức năng thực hiện xong việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đến năm 2023 là 202 téc nước cho 202 hộ nghèo; năm 2024 hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 610 hộ nghèo.
Để hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Huyện đã triển khai 35 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm với 1.163 hộ tham gia. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã mở 3 lớp đào tạo tiếng dân tộc thiểu số với 157 học viên, 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 72 học viên. Năm 2024, huyện tiếp tục tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với trên 240 học viên.
Về sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Mường Ảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Hiện toàn địa bàn huyện có 32/37 trường đạt chuẩn Quốc gia; huyện cũng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Có 6/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và có 61,6% số phòng học được kiên cố hóa...
Trong thời gian tới, để các Chương trình MTQG ngày càng phát huy hiệu quả, huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục huy động, thu hút đầu tư và tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp với địa phương để hỗ trợ Nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng lợi từ các dịch vụ phúc lợi xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.