'Huyền thoại' thời trang Nhật Bản Kenzo Takada qua đời vì COVID-19
Nhà thiết kế thời trang đình đám Kenzo Takada vừa qua đời ở tuổi 81 vì COVID-19.
The New York Times đưa tin, ông Kenzo Takada qua đời hôm Chủ nhật (4/10, giờ địa phương) tại một bệnh viện ở Neuilly-sur-Seine, gần Paris (Pháp), hưởng thọ 81 tuổi. Người phát ngôn của nhà thiết kế đình đám cho biết, nguyên nhân do các biến chứng của COVID-19. Trước đó, ông Kenzo Takada bị ốm trong vài tuần.
“Với nỗi buồn vô hạn, Kenzo xin thông báo về sự ra đi của nhà sáng lập thương hiệu. Trong nửa thế kỷ, ông Takata là một cá tính biểu tượng trong ngành thời gian – luôn truyền sự sáng tạo và màu sắc vào thế giới”, thông báo của Kenzo viết.
Kenzo Takada sinh ngày 27/7/1939 tại Himeji, Nhật Bản, là một trong bảy người con của Kenji và Shizu Takada. Gia đình Takada điều hành một khách sạn. Ông Kendo cũng tính kế nghiệp cha cho đến khi đọc tạp chí thời trang của các chị em gái trong nhà, và bắt đầu quan tâm đến thiết kế.
Ban đầu, ông theo học ngành Văn học tại Đại học Kobe để làm vui lòng cha mẹ. Nhưng sau đó, ông bỏ học và nộp đơn vào trường Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo – nơi ông trở thành một trong những nam sinh đầu tiên nhập học.
Năm 1960, ông giành được Giải thưởng Soen, do tạp chí thời trang danh tiếng Soen (Nhật Bản). Thành tích này đánh dấu bước tiến đầu tiên trong sự nghiệp của ông, trở thành nhà thiết kế quần áo bé gái cho cửa hàng bách hóa Sanai.
Năm 1964, khu chung cư của ông bị phá bỏ để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo. Nhận được khoản bồi thường 10 tháng tiền nhà, ông quyết định mua vé tàu đến Pháp. Tại đây, ông ở trong căn phòng cho thuê gần Quảng trường Clichy (Paris), giá 9 franc/ngày (gần 230.000 đồng), kiếm tiền bằng cách bán các bản phác thảo cho những nhà thiết kế như Louis Feraud.
Năm 1970, ông mở cửa hàng đầu tiên ở trung tâm mua sắm Galerie Vivienne (Paris). Lấy cảm hứng từ danh họa người Pháp Henri Rousseau, ông trang trí cửa hàng bằng những bức tường vẽ hoa. Ông đặt tên cho cửa hàng là Jungle Jap (viết tắt của Jungle Japan, tạm dịch: Rừng nhiệt đới Nhật Bản). Đây cũng là tên của buổi trình diễn thời trang đầu tiên của ông. Tuy nhiên, cái tên này gây nhiều tranh cãi, nên sau này khi thành lập công ty, ông đổi thành Kenzo.
Năm 1983, ông Takada giới thiệu dòng thời trang dành cho nam. Ba năm sau, ông ra mắt các mẫu quần jean, và đến năm 1988 có thêm nước hoa. Đáng tiếc, vào năm 1993, do gặp khó khăn khi bạn đời của ông qua đời, đồng thời đối tác kinh doanh bị đột quỵ, ông Takada quyết định bán công ty cho LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton (Pháp) với giá khoảng 80 triệu USD. Sau đó, ông tiếp tục làm nhà thiết kế cho đến khi quyết định nghỉ hưu vào năm 1999.
Vốn dĩ ông chỉ định ở lại Paris trong 6 tháng, nhưng cuối cùng ông đã sống ở đó 56 năm. Thành tựu của ông mở ra cánh cửa cơ hội không chỉ cho các nhà thiết kế Nhật Bản có tầm ảnh hưởng sau này, như Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo, mà còn tạo ra khái niệm thẩm mỹ mới vượt biên giới, màu sắc và văn hóa, thuyết phục làng thời trang chấp nhận sự đa dạng và tạo nguồn cảm hứng đến các thế hệ nhà thiết kế sau này. Ông được tôn vinh là người mang thời trang Nhật Bản đến với thế giới.
“Kenzo Takada là một nhân vật rất đặc biệt trong thế giới thời trang Paris. Vì vậy, nhiều người không thích hoặc ghét nhau thường đồng ý về việc họ yêu anh ấy”, Olivier Gabet, giám đốc của Museé des Arts Décoratifs – chi nhánh trưng bày nghệ thuật ứng dụng của Viện bảo tàng Louvre, cho biết.
“Anh ấy đã tưởng tượng ra một câu chuyện mới đầy màu sắc và nghệ thuật, kết hợp giữa Đông và Tây – quê hương Nhật Bản và cuộc sống của anh ấy ở Paris”, Jonathan Bouchet Manheim, CEO của thương hiệu K-3 (một nhánh của Kenzo mới khởi động vào tháng 1/2020), chia sẻ.