Hy vọng le lói cho Dải Gaza
Các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Cairo, Ai Cập, nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả khi Hamas chấp nhận đề xuất đã được đưa ra trước đó, vẫn cần thời gian để thống nhất về những chi tiết cụ thể, trước khi đi đến một thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng. Theo giới chuyên gia phân tích, 'các cuộc thảo luận có thể kéo dài và khó khăn'.
Các nhà trung gian đàm phán của Ai Cập và lực lượng Hamas đã đạt được tiến bộ về những khía cạnh kỹ thuật của một thỏa thuận tiềm tàng. Cụ thể, một nguồn tin chính thức từ Hamas xác nhận, lực lượng này sẽ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn với Israel “theo từng giai đoạn”, với điều kiện có những đảm bảo quốc tế rõ ràng về việc Israel sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn và chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở Gaza.
Ông Taher Al-Nono, cố vấn của nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, khẳng định, lực lượng này sẽ xử lý các đề xuất ngừng bắn “một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và tích cực”, đồng thời nêu rõ “bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đều phải đáp ứng các yêu cầu” của phía Hamas, bao gồm “chấm dứt hoàn toàn và lâu dài hành vi gây hấn, rút hoàn toàn quân đội Israel khỏi Dải Gaza, tạo điều kiện cho những người tản cư trở về nhà mà không bị hạn chế, và thỏa thuận trao đổi tù nhân”.
Theo các nguồn tin, thỏa thuận ngừng bắn được cho là bao gồm một số giai đoạn tiềm năng, trong đó, giai đoạn đầu tiên là việc trả tự do cho các con tin một cách có giới hạn vì mục đích “nhân đạo” trong thời gian ngừng bắn kéo dài vài tuần. Các giai đoạn tiếp theo có thể sẽ chứng kiến việc phóng thích thêm con tin và lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. Trong khi đó, các nhà hòa giải Mỹ đã hứa rằng, các lực lượng của Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi Gaza trong giai đoạn thứ 3 và cuối cùng, cuộc chiến sẽ kết thúc.
Về phía Israel, nước này vẫn chưa cử phái đoàn đến Cairo để tham gia đàm phán, khẳng định sẽ chỉ làm việc này khi Tel Aviv nhận thấy có “chuyển động tích cực” trong khuôn thỏa thuận trao đổi con tin. Một quan chức hàng đầu của Israel nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cử một phái đoàn do người đứng đầu Mossad dẫn đầu tới Cairo nếu có dấu hiệu cho thấy chuyển biến tích cực về một khuôn khổ cho thỏa thuận”. Trước đó, Israel đã đặt thời hạn 1 tuần để Hamas đồng ý thỏa thuận giải quyết vấn đề con tin, nếu không nước này sẽ tiến hành cuộc tấn công vào Rafah.
Theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài 40 ngày, trong đó Hamas thả tối đa 33 trong hơn 100 con tin của Israel đang bị giữ tại Gaza kể từ khi xảy ra xung đột hôm 7/10/2023. Trong khoảng thời gian này, các bên sẽ tiến hành đàm phán để có một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. Giai đoạn ngừng bắn thứ hai sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần, các bên sẽ đồng ý thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể tới 1 năm. Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên kể từ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11/2023, khi 105 con tin được trả tự do để đổi lấy 240 tù nhân người Palestine.
Theo ông Yossi Mekelberg, Giáo sư về quan hệ quốc tế và là cộng tác viên của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, tình trạng bế tắc hiện nay giữa Israel và Hamas là do không bên nào cho rằng thỏa thuận được đưa ra là có lợi nhất cho họ. Điều này cho thấy, không bên nào tin tưởng bên kia và do đó dẫn đến việc duy trì tình trạng chưa được giải quyết hiện tại. Đó là một tình huống gây nguy hiểm cho phần còn lại của khu vực.
Rõ ràng, lệnh ngừng bắn tạm thời nhằm giải thoát con tin, tăng cường viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và việc thả hàng nghìn tù nhân Palestine khỏi nhà tù của Israel có thể tạo động lực mới cho lệnh ngừng bắn lâu dài vốn rất cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng sẽ làm tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo của cả hai bên. Đối với Israel, thành tựu chính của việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán sẽ là thả các con tin - nhưng có những thành phần quyền lực trong Chính phủ Israel không coi đây là ưu tiên hàng đầu.
Còn về phía Hamas, mặc dù đề nghị gần đây nhất được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Cameron mô tả là “cực kỳ hào phóng” về việc thả tù nhân Palestine và cho phép nhiều viện trợ nhân đạo hơn vào Dải Gaza, mối quan tâm chính của họ là chấm dứt chiến tranh và điều này không được đáp ứng. Hiện, việc giam giữ các con tin còn lại được coi là “át chủ bài” của Hamas trong các cuộc đàm phán với Israel: Càng thả nhiều con tin thêm, họ càng trở nên dễ bị tổn thương hơn và không có gì đảm bảo rằng một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ không diễn ra.
Trên thực tế, tại cuộc họp Nội các trong tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ tấn công quân sự vào Rafah “dù có hoặc không” một thỏa thuận con tin. Điều này cho thấy Thủ tướng Israel đã nhượng bộ những thành phần cứng rắn nhất trong liên minh của mình. Một bộ trưởng trong Chính phủ Israel đã tuyên bố trong tuần này rằng, việc thả vài chục con tin sẽ không biện minh cho việc không “hoàn thành” các mục tiêu của cuộc chiến. Trong trường hợp chính quyền Israel và nhóm Hamas không có đủ ý chí chính trị để đạt được thỏa thuận, các nhà hòa giải sẽ sử dụng bất kỳ đòn bẩy nào mà họ có để giúp hai bên xích lại gần nhau. Đây cũng là lợi ích tốt nhất của họ. Nếu giao tranh lan tới Rafah, thảm họa gần như không thể tránh khỏi. Điều này sẽ nhanh chóng làm leo thang tình hình mong manh ở Trung Đông, ảnh hưởng xấu đến chính trị và xã hội ở trong nước của các quốc gia trên toàn khu vực và rộng hơn nữa. Giáo sư Yossi Mekelberg kết luận đây cũng là lý do đủ để kêu gọi một mặt trận quốc tế thống nhất làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để ngăn chặn một kịch bản khủng khiếp như vậy và hãy làm điều đó ngay bây giờ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hy-vong-le-loi-cho-dai-gaza-i730323/