ICSCE lần thứ 5 góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành kỹ thuật xây dựng

Những báo cáo tại Hội thảo mang lại giá trị thiết thực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Sáng ngày 24/10, tại Trường Đại học Giao thông vận tải, Khoa Công trình (Trường Đại học Giao thông vận tải) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật công trình năm 2024 “The 5th International conference on sustainability in civil engineering – ICSCE 2024”.

Diễn ra từ 23-26/10/2024, ICSCE 2024 là một sự kiện quốc tế lớn, thu hút sự tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Canada, Bỉ, và nhiều quốc gia khác.

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của ông Hoàng Thanh Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải; Tiến sĩ Tô Nam Toàn - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục đường bộ Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải).

Về phía Trường Đại học Giao thông vận tải, Hội thảo có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tiến Thành - Trưởng Khoa Công trình, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cùng các giảng viên, chuyên gia và sinh viên nhà trường.

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ trường đại học của nhiều quốc gia trên thế giới như Giáo sư, Tiến sĩ Guido De Roeck, Đại học KU Leuven (Bỉ); Giáo sư, Tiến sĩ Said Easa, Đại học Toronto Metropolitan (Canada); Giáo sư, Tiến sĩ Nam Tran, Đại học Auburn, Mỹ; Giáo sư, Tiến sĩ MIWA Tomio, Đại học Nagoya (Nhật Bản), Giáo sư, Tiến sĩ CHIL-CHUNG CHUNG, Đại học quốc gia trung ương Đài Loan (Trung Quốc), Giáo Antoine Benedetto, Đại học Lyon (Pháp), Giáo sư, Tiến Cédric Sauzeát, Đại học Lyon (Pháp), Giáo sư, Tiến sĩ Hammoum Hocine, Đại học Mouloud Mammeri (Algeria), …

 Các chuyên gia tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo.

Được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016, ICSCE đã nhận được 105 bài báo cáo từ 9 quốc gia khác nhau; 72 trong số đó được chọn in trên Tạp chí Giao thông vận tải. Hội thảo cũng mời các diễn giả trình bày là giáo sư đầu ngành từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ,…, Hội thảo đã để lại tiếng vang lớn trong khối các trường đại học ở Việt Nam.

Tiếp nối thành công đó, ICSCE lần thứ 2 năm 2018 đã nhận được nhiều báo cáo với chủ đề mới, sáng tạo của các khoa học với 143 bản tóm tắt từ 10 quốc gia khác nhau. Những báo cáo trong hội thảo có chất lượng tốt, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 2020, ICSCE lần thứ 3 diễn ra trong thời điểm khó khăn, khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Do đó, Ban tổ chức hội thảo chỉ mời 7 giáo sư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore trình bày các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong kỹ thuật xây dựng theo mô hình Hybrid. Các báo cáo đã được chấp nhận và đăng trên nhiều tạp chí quốc tế.

Năm 2022, sau đại dịch COVID-19, ICSCE lần thứ 4 đã diễn ra với sự trình bày về các nội dung đa dạng. Hội thảo đã nhận được 250 bản tóm tắt, trong đó có 150 bài được chấp nhận trình bày tại hội thảo, hàng chục bài được lựa chọn đăng trên những tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu.

Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật công trình năm 2024 lần thứ 5 đã nhận được 160 bài tóm tắt, 140 bài toàn văn, kết quả xét duyệt đã lựa chọn 117 bài đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Hội thảo đã tiến hành tổ chức 10 phiên tiểu ban với sự trình bày từ 110 tác giả trong và ngoài nước.

 Ban Tổ chức và các diễn giả trình bày tại Hội thảo.

Ban Tổ chức và các diễn giả trình bày tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải bày tỏ, Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật xây dựng được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Trường Đại học Giao thông vận tải, bắt đầu từ năm 2016.

Qua 5 năm tổ chức, đến nay Hội thảo đã trở thành điểm đến uy tín, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng khoa học trên toàn thế giới. Đặc biệt, Hội thảo đã trở thành diễn đàn quan trọng để cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cùng nhau thảo luận và trao đổi về các vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra, thu hút sự tham gia tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Thầy Long thông tin, năm 2024, chủ đề của Hội thảo tiếp tục phát triển những nội dung đã được đặt ra trong các kỳ hội thảo trước. Đồng thời, Hội thảo đã mở rộng và làm sâu sắc thêm những vấn đề quan trọng mà cộng đồng khoa học và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm. Do đó, Nhà trường hy vọng Hội thảo sẽ mang lại một tiếng nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành kỹ thuật xây dựng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Cũng theo thầy Long, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia sớm tham gia vào các công ước quốc tế về phát triển bền vững và đã cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon bằng không vào năm 2050. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước đang phát triển, để đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của khu vực và thế giới.

Hội thảo năm nay có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia (Algeria, Ấn Độ, Mỹ, Bỉ, Canada, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam) với 9 bài phát biểu chính và 105 báo cáo khoa học. Các chủ đề của những bài báo cáo, tham luận tập trung chủ yếu vào 10 lĩnh vực cốt lõi của ngành xây dựng công trình.

Có thể nói, các tham luận từ những giáo sư hàng đầu thế giới đã mang lại những định hướng quan trọng về các vấn đề như phát triển bền vững, đường sắt cao tốc, giám sát sức khỏe công trình, thành phố thông minh, vận tải xanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, bản sao số, thiết kế và xây dựng bền vững, vật liệu mới, địa kỹ thuật, công trình thủy, và tổ chức giao thông đô thị.

Thay mặt Ban tổ chức, thầy Long đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước đã đến tham dự hội thảo. Đồng thời, Hội thảo cũng mong được lắng nghe những ý tưởng và kiến thức mới, và những thảo luận hôm nay sẽ mang lại giá trị thiết thực cho mỗi người tham dự và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành kỹ thuật xây dựng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội – một thành phố vừa nổi tiếng về lịch sử văn hóa, vừa là trung tâm khoa học và phát triển, chính vì vậy, thầy Long cũng hy vọng rằng, Hội thảo không chỉ thành công về mặt khoa học, mà còn mang đến cơ hội kết nối, trao đổi và khám phá vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Năm nay, Hội thảo tập trung vào những thách thức toàn cầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt cao tốc. Hội thảo đã nhận được hơn 160 bài tóm tắt, và 110 bài toàn văn từ các tác giả trong và ngoài nước được lựa chọn để báo cáo. Tại phiên toàn thể, một số giáo sư và chuyên gia quốc tế sẽ chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về các vấn đề đang thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Tại Hội thảo, Giáo sư Guido De Roeck, Đại học KU Leuven (Bỉ) đã trình bày báo cáo "Những thách thức trong thiết kế cầu đường sắt tốc độ cao." Theo đó, ông đã trình bày về sự phát triển của tuyến tàu cao tốc (HST), bắt đầu từ Nhật Bản và mở rộng, kéo dài đến châu Âu, Trung Quốc cũng như chiến lược phát triển của mạng lưới này.

 Giáo sư Guido De Roeck, Đại học KU Leuven (Bỉ) trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Giáo sư Guido De Roeck, Đại học KU Leuven (Bỉ) trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Theo Giáo sư Guido De Roeck, HST là một phương thức vận tải được phát triển qua sự xem xét, đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc về các tác động về không gian, kinh tế xã hội và môi trường cũng như chi phí cơ sở hạ tầng HST. Thiết kế của HST bị chi phối chủ yếu bởi những giới hạn về khả năng bảo trì. Ngoài ra, hiệu ứng khí động học, sự tương tác giữa kết cấu đường ray, vấn đề đảm bảo độ êm ái của đường ray và sự an toàn của tàu cũng là những vấn đề chính được cân nhắc trong thiết kế.

Bên cạnh đó, kết cấu thượng tầng của cầu đường sắt điển hình của HST cũng biểu thị cho những nhịp ngắn, trung bình, dài và siêu dài từ các ví dụ của Trung Quốc và châu Âu. Đơn cử, trong trường hợp cầu đường sắt siêu dài, cây cầu văng và cầu treo có nhịp chính 1.092m đã được xây dựng ở Trung Quốc; đối với trường hợp các cầu nhịp dài 200-500m, một số dạng kết cấu cải tiến đang xuất hiện trên đường sắt cao tốc của Trung Quốc như vòm giàn thép, cầu dây văng,…

Cũng tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Tomio MIWA, Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã trình bày báo cáo về "Phương pháp dự báo nhu cầu chuyến đi với các hạn chế về di chuyển dựa trên nghiên cứu ở khu vực núi của Nhật Bản."

Theo Giáo sư, Tomio MIWA, dịch vụ vận tải công cộng ở khu vực miền núi còn hạn chế, do đó người dân sống trên khu vực này gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, việc lập kế hoạch phù hợp để khắc phục vấn đề này có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong nghiên cứu này sẽ thực hiện những quan sát về nhu cầu thực tế đối với những dịch vụ giao thông công cộng.

Hơn nữa, nghiên cứu cũng đề xuất mô hình dự đoán nhu cầu đi lại mong muốn dựa trên phân tích điều kiện đi lại của người cao tuổi ở khu vực miền núi; nhu cầu về những chuyến đi đã thực hiện và chưa thực hiện được. Nghiên cứu đã đưa ra mô hình Poisson hai biến được áp dụng để phân bổ nhu cầu về chuyến đi mong muốn nhưng bị hạn chế về di chuyển, đồng thời đề xuất mô hình xác suất chung xem xét mối quan hệ giữa chúng.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác như công trình ven biển, địa kỹ thuật, và kết cấu hạ tầng giao thông, … Những báo cáo này mang lại cái nhìn toàn diện về những bước tiến mới nhất trong nghiên cứu và phát triển bền vững.

 Ban Tổ chức cùng các chuyên gia, diễn giả chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo.

Ban Tổ chức cùng các chuyên gia, diễn giả chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo.

Có thể thấy, ICSCE 2024 là cơ hội quan trọng để các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia trao đổi kiến thức, giải quyết những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/icsce-lan-thu-5-gop-phan-thuc-day-phat-trien-ben-vung-nganh-ky-thuat-xay-dung-post246471.gd