Ðiều chỉnh giá đất phù hợp thực tế
Giá đất theo quy định hiện tại đang có khoảng cách không nhỏ với giá thị trường, dẫn tới thất thoát thuế. Ðồng thời, trong nhiều trường hợp, người dân cảm thấy chưa thỏa đáng khi Nhà nước tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong kỳ họp tháng 12-2019, HÐND thành phố sẽ thông qua Nghị quyết 'Về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội' áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị góp ý, phản biện để ban soạn thảo điều chỉnh Dự thảo Nghị quyết sát tình hình thực tế trước khi trình HÐND thành phố.
Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024, khung giá đất hiện tại được áp dụng từ năm 2014. Từ đó đến nay, giá đất cả khu vực nội thành lẫn ngoại thành đã có nhiều thay đổi. Giá trị đất thực tế giao dịch, gồm cả đất ở đô thị, đất ở nông thôn, các loại đất nông nghiệp và phi nông nghiệp có khoảng cách rất lớn với khung giá thành phố quy định tại Quyết định số 96/2014/QÐ-UBND ngày 29-12-2014 của UBND thành phố Hà Nội. Theo khảo sát của UBND thành phố Hà Nội, giá đất giao dịch tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) ở vị trí mặt đường giá từ 730 đến 830 triệu đồng/m2, phố Hàng Gai lên tới 1,1 tỷ đồng/m2. Theo quy định cũ, mức đền bù cao nhất ở khu phố cổ là 210,6 triệu đồng/m2.
Mức giá cũ còn "lạc hậu" hơn tại hai khu vực có nhiều biến động nhất là khu vực phía đông và phía tây thành phố. Giá đất tại khu vực phía tây thành phố (gồm các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Ðức) và khu vực phía đông thành phố (gồm quận Long Biên, các huyện Ðông Anh, Gia Lâm) đang tăng rất nhanh khi có hàng loạt dự án lớn đang thi công. Ðáng chú ý, giá chuyển nhượng cao nhất tại các tuyến phố đẹp ở các huyện Gia Lâm, Hoài Ðức đều vượt mức 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá cao nhất tại huyện Gia Lâm theo quy định là 22 triệu đồng/m2; mức cao nhất tại huyện Hoài Ðức từ 15 đến 16 triệu đồng/m2.
Việc điều chỉnh giá đất trong giai đoạn 2019 - 2024 theo hướng tăng thêm là cần thiết. Nghị định 44/2014/NÐ-CP của Chính phủ nêu rõ, UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn, nhưng không quá 30% so với mức giá cao nhất của từng loại đất trong khung giá đất. Hiện nay, Nghị định quy định khung giá đất mới chưa ban hành. Do đó, trong thẩm quyền của mình, Hà Nội được phép điều chỉnh tăng giá đất trong khung 30%. Căn cứ thực tế và quyền hạn được phép, UBND thành phố Hà Nội đề xuất đất nông nghiệp tăng 30% trên toàn địa bàn so với mức giá quy định trong giai đoạn 2014 - 2019. Tại các quận, đất ở tại các tuyến đường trục chính và đường hai chiều, mức tăng cũng là 30%. Các tuyến đường có hạ tầng kém hơn, giao thông không thuận tiện thì mức tăng phổ biến là hơn 20%. Ðất thương mại và dịch vụ có giá từ 68% đến 72% so với giá đất ở, tùy thuộc vào các quận, huyện. Mức giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cũng tăng từ 20% đến 30% tùy thuộc vào từng tuyến đường. Ðối với các huyện, đất ở tại những tuyến quốc lộ và trục chính tăng khoảng 20%. Các tuyến đường khác, tăng từ 10% đến 15%, tùy thuộc khả năng sinh lời.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo cho biết: "Quá trình xây dựng bảng giá đất mới bảo đảm nghiêm túc, đúng nguyên tắc, đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng quy định, đúng thẩm quyền. Việc chuẩn bị xây dựng giá đất cũng được nghiên cứu cụ thể, điều tra xã hội học đến đông đảo người dân và cán bộ địa phương. Tuy nhiên, thành phố cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các thành phố lớn trong cả nước. Trong đó, khu vực đất nông nghiệp cần điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi, vì hiện nay giá đất nông nghiệp ở một số khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế". Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội Bùi Thị An nhấn mạnh, đất đai là vấn đề phức tạp của xã hội, cho nên trong quá trình xây dựng bảng giá đất, các cơ quan chuyên môn cần đánh giá tác động xã hội.
Với vai trò là đơn vị chủ trì việc góp ý, phản biện về xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2019 - 2024, Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất của thành phố Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất; gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, trình HÐND thành phố trong kỳ họp tháng 12 sắp tới, để các đại biểu xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trước khi thông qua, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.