IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á, khuyến nghị duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ

Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm nay được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo có thể đạt 4,6% nhờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại.

Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong năm nay được dự báo sẽ đạt 4,6% nhờ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. (Ảnh: Reuters)

Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong năm nay được dự báo sẽ đạt 4,6% nhờ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. (Ảnh: Reuters)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về những rủi ro từ lạm phát và biến động thị trường toàn cầu, do cuộc khủng hoảng ngân hàng tại một số nước phương Tây gây ra.

Theo đánh giá của IMF, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn khu vực châu Á do khu vực này có lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ phát triển hơn lĩnh vực đầu tư.

IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ đạt 4,6% trong năm nay, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022. Qua đó, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo IMF, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực phát triển chính, với mức tăng trưởng dự báo lần lượt là 5,2% và 5,9% trong năm nay.

Tuy nhiên, IMF lại giảm dự báo tăng trưởng châu Á trong năm 2024 xuống mức 4,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo gần nhất. Cơ quan này cảnh báo những rủi ro cần quan sát kỹ đối với triển vọng kinh tế châu Á trong thời gian tới như: lạm phát cao hơn dự kiến, nhu cầu toàn cầu chậm lại và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Giám đốc IMF khu vực châu Á và Thái Bình Dương Krishna Srinivasan cho biết: "Do vẫn còn rủi ro lạm phát đáng kể, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong khu vực châu Á sẽ cần phải duy trì, cho đến khi lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu một cách bền vững. Chính sách này cần được các nền kinh tế châu Á thực hiện trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nhật Bản là trường hợp ngoại lệ, không cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ do sản lượng của nền kinh tế đang thấp hơn mức tiềm năng và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức thấp."

Trong một diễn biến khác, ngành ngân hàng Hoa Kỳ vừa chứng kiến thêm 1 vụ phá sản khi ngân hàng First Republic Bank tại Hoa Kỳ tuyên bố đóng cửa và để JPMorgan Chase mua lại trong 1 thỏa thuận được chính phủ dẫn dắt. First Republic Bank là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Hoa Kỳ, và đây cũng là ngân hàng khu vực (regional bank) thứ 4 phá sản chỉ trong gần 2 tháng qua. Điều này khiến thị trường lo ngại khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ có thể gây tác động dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế.

Trong tháng 3 vừa qua, liên tiếp 3 ngân hàng tại Hoa Kỳ đã phá sản, bao gồm Silicon Valley Bank - định chế tài chính lớn thứ 17 tại Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank sau đó đã kéo theo cuộc khủng hoảng của ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thụy Sĩ - Credit Suisse.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất ở mức nhanh và mạnh chưa từng có tiền lệ nhằm chống làm phát được xem là nguyên nhân chính khiến First Republic Bank và Silicon Valley Bank phá sản.

Theo kịch bản cơ sở trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) tháng 4/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay dự báo sẽ đạt 2,8%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2023 và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,4% trong năm 2022. Kịch bản này được xây dựng với giả định sự bất ổn của khu vực tài chính được kiểm soát, không làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu, và suy thoái kinh tế (nếu có) cũng không lan rộng.

Quỳnh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/imf-nang-du-bao-tang-truong-kinh-te-khu-vuc-chau-a-khuyen-nghi-duy-tri-chinh-sach-that-chat-tien-te-104746.htm