Indonesia cảnh báo hậu quả của việc áp giá trần với dầu mỏ Nga
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, nước chủ tịch G20, cảnh báo việc áp giá trần với dầu mỏ Nga có thể làm tăng chênh lệch giữa cung và cầu trên thị trường nhiên liệu toàn cầu.
Phát biểu với đài CNBC hôm 15/7, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nói rằng việc áp giá trần với dầu mỏ của Nga do các nước phương Tây đề xuất có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vì nó không giúp giải quyết vấn đề nguồn cung mà thế giới đang đối mặt.
Theo Bộ trưởng Indrawati, giá “vàng đen” tăng cao do nhu cầu đang vượt quá nguồn cung trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn vì xung đột Nga - Ukraina và các lệnh trừng phạt Nga mà phương Tây áp đặt với ngành năng lượng của nước này.
"Áp giá trần với dầu mỏ Nga chắc chắn không giải quyết được vấn đề, bởi vì căn bản là số lượng không đủ so với nhu cầu" - bà Indrawati chia sẻ với báo giới bên lề cuộc họp bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Bali, Indonesia hôm 15/7.
Bộ trưởng Indrawati lưu ý, sự chênh lệch giữa cung và cầu trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới khi mùa cần sưởi ấm đang đến.
Tuyên bố của bộ trưởng tài chính nước chủ tịch G20 được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang có mặt ở châu Á với mục tiêu thu hút sự ủng hộ cơ chế giá trần với dầu mỏ Nga. Bà Yellen hôm 13/7 gọi biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga là “một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng tôi” để chống lại lạm phát.
Quyết định xem xét áp chuẩn giá dầu riêng của Nga một phần là do các cuộc đàm phán đang diễn ra về giới hạn trần giá dầu Nga tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào đầu tháng này. Phương Tây gần đây thảo luận về việc giới hạn dầu thô của Nga ở mức 40- 60 USD/thùng.
Mỹ đã nỗ lực thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc ủng hộ áp giá trần với dầu mỏ của Moscow tuy nhiên khả năng ủng hộ là không chắc chắn vì cả hai nước đang mua dầu thô Nga với mức giảm giá mạnh.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga. EU sẽ thực hiện lệnh cấm vận đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ đường biển của Nga vào cuối năm nay.
Các quan chức Nga trước đó đã cho rằng đề xuất như vậy sẽ sụp đổ và sẽ dẫn đến việc trả đũa, khiến giá dầu còn cao hơn. Báo cáo của JP Morgan đã ước tính rằng nếu Nga quyết định ngừng xuất khẩu để đáp trả, giá dầu có thể tăng lên 380 USD/thùng.
Theo giới phân tích, kế hoạch này có vẻ là một công việc khó khăn, khiến toàn bộ tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, chống lại đối tác Nga chắc chắn nói dễ hơn làm. Bên cạnh đó, việc thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ kế hoạch này cũng nói dễ hơn làm, mặc dù cả hai đều là những nhà nhập khẩu lớn và chắc chắn sẽ thích giá dầu thấp hơn nữa.