Indonesia thúc đẩy kế hoạch xây dựng tường biển khổng lồ để bảo vệ thủ đô

Bộ trưởng Điều phối vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã công bố kế hoạch xây dựng một bức tường ven biển khổng lồ nhằm bảo vệ vùng thủ đô trong bối cảnh Jakarta đang trở thành đô thị có tốc độ chìm nhanh nhất.

Bộ trưởng Điều phối vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto phát biểu bên lề hội thảo vệ việc xây bức tường ven biển khổng lồ hôm 10.1. Ảnh: Antara

Bộ trưởng Điều phối vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto phát biểu bên lề hội thảo vệ việc xây bức tường ven biển khổng lồ hôm 10.1. Ảnh: Antara

Ngăn chặn nguy cơ thủ đô “chìm” dưới mực nước biển

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, để bảo vệ Khu vực đảo Java, Bộ của ông đang muốn thúc đẩy kế hoạch xây dựng các bờ kè ven biển, còn được gọi là Bức tường biển khổng lồ ở Jakarta như một Dự án chiến lược quốc gia (PSN) nhằm ngăn chặn nguy cơ thủ đô của đất nước có thể bị chìm dưới mực nước biển.

Ý tưởng về bức tường biển đã được ấp ủ hơn một thập kỷ qua song vẫn chưa được thực hiện. Đề xuất xây tường biển gần đây được được nhắc tới nhiều hơn khi Jakarta trở thành siêu đô thị có tốc độ chìm nhanh nhất.

Bộ trưởng Hartarto nói rằng thủ đô Indonesia chìm tới 25cm mỗi năm trong khi triều cường tăng tới 200cm mỗi năm. Là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, Jakarta đã ghi nhận một số khu vực bị ngập tới 4m trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2005. Các chuyên gia dự đoán rằng 1/3 thủ đô quốc gia vạn đảo có nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu không được kiểm soát.

Ông lưu ý: “Thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính do lũ lụt hàng năm trên bờ biển Jakarta lên tới 2,1 nghìn tỷ rupiah mỗi năm và có thể tiếp tục tăng hàng năm lên đến 10 nghìn tỷ rupiah mỗi năm trong 10 năm tới”. Theo ông Airlangga, có những thiệt hại kinh tế gián tiếp cũng như chi phí cơ hội lớn gấp nhiều lần con số tổn thất ban đầu.

Kế hoạch 3 giai đoạn đến năm 2040

Dựa trên các nghiên cứu do Bộ thực hiện, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn một kịch bản dài hạn gồm 3 giai đoạn để xây dựng bức tường biển.

Giai đoạn đầu tiên được tiến hành bằng kế hoạch xây dựng các bờ kè ven biển và ven sông dài khoảng 120km, được thiết kế đến năm 2030, cũng như việc xây dựng hệ thống máy bơm và máy ép lấn ở khu vực bờ biển phía bắc của Jakarta.

Giai đoạn thứ hai: xây dựng đê biển theo ý tưởng mở (đê lộ thiên) ở phía tây bờ biển phía bắc Jakarta, dài 20km, kế hoạch này dự kiến phải hoàn thành trước năm 2030.

Giai đoạn thứ ba: xây dựng đê biển ở phía đông bờ biển phía bắc Jakarta dài 12km, dự kiến hoàn thành trước năm 2040.

Nếu tình trạng sụt lún tiếp tục xảy ra sau năm 2040, khái niệm Tường biển mở sẽ được sửa đổi thành Tường biển kín.

Thứ trưởng Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng Wahyu Utomo cho biết dự kiến ngân sách ước tính cho hai giai đoạn đầu của dự án là 164,1 nghìn tỷ rupiah (10 tỷ USD). Bức tường biển này ngoài việc bảo vệ các tài sản như đường sá và các khu công nghiệp dọc theo bờ biển phía bắc của Java, chính phủ sẽ thiết kế bức tường biển khổng lồ được tích hợp với các cơ sở hạ tầng khác cũng như cho mục đích quốc phòng. Ông Wahyu khẳng định: “Đây là một giá trị gia tăng cho tất cả chúng ta”.

Việc xây dựng các bờ kè khổng lồ dọc theo bờ biển Java là rất quan trọng vì khu vực này đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc gia, đóng góp vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) khoảng 20,7% và mật độ dân số đạt 50 triệu người. Trong khu vực này có nhiều khu vực chiến lược, cụ thể là có 5 trung tâm phát triển công nghiệp, 70 khu công nghiệp, 28 khu công nghiệp được chỉ định và 5 khu kinh tế đặc biệt.

Cần một tầm nhìn dài hơi

Indonesia sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 14.2 và việc người kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo có theo đuổi dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ hay không vẫn còn là một ẩn số.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người dẫn đầu các cuộc khảo sát cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, tại lễ công bố kế hoạch bức tường biển đã bày tỏ ý kiến: “Vấn đề mà bức tường biển này phải đối mặt là nó cần khoảng 40 năm để hoàn thành. Liệu các nhà lãnh đạo có đủ tập trung, tư duy và khả năng theo đuổi dự án đến cùng hay không. Đó là trách nhiệm của chúng tôi”.

Kế hoạch xây dựng bức tường chắn biển khổng lồ đang được thảo luận rất nghiêm túc với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các học giả và chuyên gia. Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cùng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prabowo Subianto đã khởi xướng một hội thảo quốc gia đặc biệt thảo luận về vấn đề này hôm 10.1 với chủ đề: Chiến lược bảo vệ khu vực đảo Java thông qua việc xây dựng một Tường biển khổng lồ”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/indonesia-thuc-day-ke-hoach-xay-dung-tuong-bien-khong-lo-de-bao-ve-thu-do-i357309/