IPA: Bảo đảm an toàn vốn và tài sản tối đa khi đầu tư ở Việt Nam

Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (IPA) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU có những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng .

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng .

Tại Lễ ký Hiệp định vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc ký kết IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh châu Âu.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ kỳ vọng: Việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định này có các cam kết nhằm bảo đảm an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư ở nhiều điểm như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, và các cam kết bảo hộ đầu tư khác.

Các cam kết này trong IPA được xây dựng chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU, có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.

Đáng chú ý, IPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

“Những điểm khác biệt này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo các quy định của IPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, tương thích với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Về giải quyết tranh chấp đầu tư, Hiệp định IPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU.

Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư theo IPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.

IPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các quy định này giúp: Nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp, giúp hạn chế rủi ro về sai sót; nâng cao tính độc lập của cơ quan giải quyết tranh chấp được nâng cao do các bên tranh chấp không còn được lựa chọn người giải quyết tranh chấp của mình, đồng thời các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ bộ quy tắc ứng xử quy định tại Hiệp định.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế.

Trao đổi với các đối tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ipa-bao-dam-an-toan-von-va-tai-san-toi-da-khi-dau-tu-o-viet-nam/369644.vgp