Iran trấn áp biểu tình đẫm máu giữa bất ổn tồi tệ nhất trong 40 năm

Một đợt tăng giá xăng bất ngờ ở Iran đã chuyển thành làn sóng biểu tình giận dữ rộng lớn trên khắp Iran. Chính quyền đàn áp một cách đẫm máu khiến ít nhất 180 người chết.

Iran đang trải qua bất ổn chính trị đẫm máu nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo 40 năm trước. Ít nhất 180 người đã bị giết, nhưng con số thực có thể lớn hơn, sau khi các cuộc biểu tình bị chính phủ đàn áp bạo lực.

Tất cả bắt đầu hai tuần trước khi giá xăng đột ngột tăng 50%. Chỉ sau 72 giờ, người biểu tình đổ ra đường ở các thành phố kêu gọi lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này phải từ chức.

Ở nhiều nơi, lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình không có vũ khí, theo các nhân chứng và video. Riêng ở thành phố Mahshahr phía tây nam Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã xả súng làm chết từ 40 đến 100 người.

“Việc dùng vũ khí giết người đối với người biểu tình trên cả nước như vậy là chưa từng có, ngay cả đối với Iran và mức độ bạo lực mà nước này từng dùng để đối phó với người dân”, Omid Memarian, Phó giám đốc Trung tâm Nhân quyền ở Iran, trụ sở tại New York, nói với New York Times.

 Một ngân hàng bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối giá xăng tăng ở Tehran vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Một ngân hàng bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối giá xăng tăng ở Tehran vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Thương vong vượt xa những lần biểu tình trước

Đợt biểu tình lớn gần nhất ở Iran năm 2009 sau tranh cãi bầu cử cũng bị đàn áp đẫm máu, khiến 72 người chết trong 10 tháng.

Nhưng lần này, khoảng từ 180-450 người, có thể nhiều hơn, bị giết chỉ trong vòng bốn ngày sau khi chính quyền công bố tăng giá xăng ngày 15/11. Ít nhất 2.000 người bị thương và 7.000 người bị bắt giữ, theo ước tính từ các nhóm nhân quyền, nhóm đối lập và các phóng viên sở tại.

Cuộc biểu tình bị dập tắt trong bí mật, và có ít thông tin lọt ra bên ngoài khi Internet bị chặn trên toàn quốc. Chỉ hai tuần sau, các chi tiết về mức độ thảm sát và thiệt hại mới bắt đầu hiện rõ, theo New York Times.

Cơn bất ổn này không chỉ cho thấy sự bất mãn sâu rộng đối với lãnh đạo Iran, mà còn thể hiện khó khăn về kinh tế và chính trị đến từ lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump cũng như sự chống đối của các nước láng giềng.

Iran tăng giá xăng giữa đêm để đối phó với thâm hụt ngân sách ngày càng lớn do trừng phạt của Mỹ gây ra. Mỹ cấm vận để gây sức ép buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

 Một trạm xăng ở Tehran. Giá xăng tăng đột ngột đã dẫn đến bất ổn chính trị đẫm máu nhất ở Iran trong vòng 40 năm kể từ Cách mạng Hồi giáo. Ảnh: AP.

Một trạm xăng ở Tehran. Giá xăng tăng đột ngột đã dẫn đến bất ổn chính trị đẫm máu nhất ở Iran trong vòng 40 năm kể từ Cách mạng Hồi giáo. Ảnh: AP.

Hầu hết cuộc biểu tình nổ ra ở những khu vực và thành phố nơi tầng lớp lao động thu nhập thấp chiếm đa số. Nhưng đây chính là thành phần mà trước nay vẫn trung thành lãnh đạo Iran sau cách mạng Hồi giáo.

Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ đối với chính lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người nói rằng việc đàn áp là để đối phó với âm mưu của các thế lực thù địch.

Ông Mir Hussein Moussavi, lãnh đạo đối lập thất bại trong cuộc bầu cử 2009, đã lên án ông Ayatollah Ali Khamenei. Tranh cãi trong cuộc bầu cử 2009 dẫn đến biểu tình ôn hòa cũng bị Ayatollah Khamenei đàn áp bằng bạo lực.

Chính quyền không công bố số thương vong, nhưng bộ trưởng Nội vụ đã nói có bất ổn trên cả nước. Ông nói biểu tình nổ ra ở 29 trên 31 tỉnh, và 50 căn cứ quân sự bị tấn công. Nếu đúng vậy, đây là cuộc biểu tình có phạm vi rộng nhất từ trước tới nay.

Theo bộ trưởng, bị thiệt hại bao gồm 731 ngân hàng, 140 không gian công cộng, 9 trung tâm tôn giáo, 70 trạm xăng, 307 xe hơi, 183 xe cảnh sát, 1.076 xe máy và 34 xe cứu thương.

 Một chiếc xe buýt bị cháy ở Isfahan, Iran. Ảnh: AFP.

Một chiếc xe buýt bị cháy ở Isfahan, Iran. Ảnh: AFP.

Vệ binh Cách mạng xả súng ở Mahshahr

Bạo lực kinh hoàng nhất xảy ra ở Mahshahr, thành phố 120.000 dân ở tỉnh Khuzestan phía tây nam Iran, New York Times cho biết sau khi phỏng vấn 6 người tại đây, bao gồm lãnh đạo biểu tình, nhà báo, và y tá.

Họ đều kể những câu chuyện tương tự về cách thức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran được điều động với số lượng lớn tới Mahshahr ngày 18/11 để đàn áp biểu tình.

Trong ba ngày trước đó, người biểu tình đã kiểm soát hầu hết Mahshahr và vùng ngoại ô, chặn tuyến đường chính và nhà máy hóa dầu ở gần đó - điều này cũng được chính phủ xác nhận.

Lực lượng an ninh đã cố giải tán đám đông, nhưng không thành. Cuối cùng, tại khu vực Shahrak Chamran ở ngoại ô, họ nổ súng mà không có cảnh báo vào hàng chục người đang chặn đường, khiến vài người chết tại chỗ, theo các nhân chứng.

Người biểu tình chạy về phía đầm lầy gần đó, và một người bắn trả bằng AK-47. Lực lượng vệ binh lập tức bao vây người này, rồi tiếp tục bắn súng máy, giết chết tới 100 người khác.

Lực lượng vệ binh chuyển các thi thể lên xe tải và lái đi, trong khi người thân đưa những người bị thương đến bệnh viện địa phương Memko.

 Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ ở thủ đô Tehran vào tháng 11. Ảnh: AFP.

Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ ở thủ đô Tehran vào tháng 11. Ảnh: AFP.

Một người dân địa phương, sinh viên ngành hóa học mới ra trường, 24 tuổi, nói anh ở cách vụ thảm sát khoảng 1,5 km. Bạn của anh và một người anh họ cũng bị bắn vào ngực và tử vong. Thi thể của họ chỉ được trả cho gia đình sau 5 ngày, khi họ ký giấy cam kết không tổ chức tang lễ và không trả lời phỏng vấn báo chí.

Thanh niên 24 tuổi này nói chính anh bị bắn vào sườn ngày 19/11, một ngày sau vụ xả súng, khi lực lượng vệ binh tiến vào khu phố của anh bằng xe tăng.

Sau đó là cuộc đọ súng nhiều giờ liền giữa vệ binh và cư dân người Arab, vốn thường có súng trong nhà để đi săn, theo lời kể và theo video trên Twitter.

Một y tá 32 tuổi ở Mahshahr kể qua điện thoại rằng cô đã chăm sóc những người bị thương ở bệnh viện, đa số bị bắn vào đầu và ngực. Cô mô tả cảnh tượng hỗn loạn ở bệnh viện, với các gia đình đưa người bị thương tới, bao gồm một thanh niên 21 tuổi sắp cưới nhưng đã tử vong.

“Trả con cho tôi”, y tá nhắc lại lời người mẹ gào khóc. “Hai tuần nữa là nó cưới rồi!”

Người y tá nói cảnh sát túc trực ở bệnh viện rồi bắt giữ những người bị thương ngay sau khi tình trạng của họ ổn định. Một số thân nhân che mặt đưa người bị thương vào viện rồi trốn đi vì sợ bị bắt.

Một tuần sau sự việc, ngày 25/11, đại diện của thành phố Mahshahr trong Quốc hội Iran, Mohamed Golmordai, phẫn nộ chỉ trích chính phủ trên truyền hình quốc gia.

“Các ngài đã làm những trò mà vị vua ô nhục trước đây từng làm?”, ông Golmordai gào thét trong cuộc họp Quốc hội, ý nói Vua Mohammed Reza Pahlavi bị Cách mạng Hồi giáo lật đổ. Sau đó, ông và các nghị sĩ khác xông vào giằng co, và ông còn bị một người bóp cổ.

 Phản đối giá xăng trên một đường cao tốc ở Tehran vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Phản đối giá xăng trên một đường cao tốc ở Tehran vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Một phóng viên ở Mahshahr nói tổng số người chết trong ba ngày hỗn loạn tại đây là 130.

“Chính thể này đã đẩy người dân đến chỗ bạo lực”, Yousef Alsarkhi, 29 tuổi, nhà hoạt động chính trị từ tỉnh Khuzestan đã nhập cư vào Hà Lan bốn năm trước, nói. “Càng đàn áp, họ (người dân) sẽ càng táo bạo và phẫn nộ”.

Giới phân tích cho rằng các cuộc biểu tình đã kết liễu sự nghiệp chính trị của Tổng thống Hassan Rouhani, nhân vật khá trung dung trong chính trị Iran. Gần như chắc chắn, phe cứng rắn sẽ chiến thắng trong bầu cử Quốc hội và tổng thống sau hai năm tới, làm phức tạp một vùng Trung Đông có nhiều bất ổn.

Việc đàn áp đẫm máu cũng cho thấy hố sâu khoảng cách giữa tầng lớp lãnh đạo Iran và 83 triệu người dân.

“Phản ứng của chính phủ là tàn ác, nhanh chóng, không khoan nhượng”, Henry Rome, nhà phân tích Iran ở công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group trụ sở ở Washington, nói. Nhưng người biểu tình cũng cho thấy “họ không sợ phải xuống đường”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/iran-tran-ap-bieu-tinh-dam-mau-giua-bat-on-toi-te-nhat-trong-40-nam-post1020101.html