Theo truyền thông khu vực Arab, chính quyền Iraq đã khẩn trương nối lại các cuộc đàm phán với Moskva liên quan đến việc mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump từ chối rời khỏi căn cứ quân sự trên đất Iraq, điều này rõ ràng đang buộc Baghdad phải thay đổi hoàn toàn mối quan hệ với Washington.
"Chính quyền Iraq đã quay trở lại đàm phán với Nga về việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300", người đứng đầu ủy ban an ninh và quốc phòng Iraq, ông Muhammad Reed cho biết.
Vị quan chức trên nói thêm rằng nhu cầu về các hệ thống phòng không do Nga sản xuất trở nên đặc biệt rõ ràng sau các cuộc tấn công vào căn cứ dân quân Shiite al-Hashd al-Shaabi vài tháng trước.
Tuy nhiên các cuộc đàm phán về một hợp đồng có thể được tiếp tục ngay bây giờ. Quan chức này tiết lộ lãnh đạo cấp cao đã thông qua thỏa thuận, nhưng không cho biết đó là giai đoạn nào, trang Lenta của Nga cho biết.
Đáng chú ý là ở Baghdad, họ mong đợi một cuộc đối thoại cởi mở từ Washington, tuy nhiên rõ ràng điều này có thể biến thành vấn đề nghiêm trọng mới cho lực lượng Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên ở đây có một vấn đề cần lưu tâm đó là Nga đã ngừng sản xuất mới hệ thống phòng không tầm xa S-300 từ lâu, cho nên Iraq chỉ có thể lựa chọn mua lại tổ hợp cũ hoặc tiến thẳng lên S-400.
Trước đó theo thông tin do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cung cấp, Iraq có thể trở thành chủ sở hữu của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất cũng như hiệu quả nhất trên thế giới.
Cụ thể, Nga đang nói về việc bán cho Iraq hệ thống phòng không S-400 Triumf, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Nga cho biết vũ khí trên sẽ giúp Iraq "đảm bảo chủ quyền cũng như bảo vệ vững chắc không phận".
"Iraq là đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và Moskva có thể cung cấp các khoản tín dụng cần thiết nhằm đảm bảo chủ quyền của Baghdad cũng như bảo vệ không phận một cách đáng tin cậy".
"Đề xuất này bao gồm cung cấp tổ hợp tên lửa S-400 Triumf và các thành phần khác của hệ thống phòng không như Buk-M3, Tor -M2...", ông Igor Korotchenko - Giám đốc Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới - TsAMTO của Nga cho biết.
Các chuyên gia chú ý đến thực tế là vài tháng trước tại Iraq, họ thực sự đã cân nhắc khả năng mua sắm các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga, bao gồm cả việc đặt hàng tổ hợp S-400 Triumf tiên tiến nhất.
Tuy nhiên dưới áp lực của Mỹ, Baghdad đã phải trì hoãn việc mua hàng. Nhưng với cuộc khủng hoảng chính trị trong quan hệ giữa Iraq và Mỹ, họ thực sự có thể tiến tới một thỏa thuận có lợi với Nga trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng động thái trên của Iraq chỉ mang tính biểu tượng, họ sẽ không thể dùng tổ hợp phòng không Nga để chống lại máy bay Mỹ.
Chính quyền Iraq hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, chỉ cần một lệnh cấm vận toàn diện cũng sẽ làm Baghdad điêu đứng chứ chưa nói tới viễn cảnh xung đột vũ trang.
Bạch Dương