Jinko Solar đầu tư dự án hơn 365 triệu USD tại Quảng Ninh
Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1ha.
Tỉnh Quảng Ninh sáng 19/9 đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko Solar 2) cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) chỉ sáu tháng sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Đây là dự án thứ cấp thứ hai thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp Sông Khoai có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1ha, suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) cao nhất so với các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh.
Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1. Việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng thời của cả hai dự án.
Theo báo cáo thẩm định của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ bốn ngày kể từ khi ban này tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Tỉnh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án chỉ trong một ngày làm việc, sớm bốn ngày làm việc so với quy định.
Hiện nay, Jinko Solar đang tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng khu nhà ở chuyên gia tại thành phố Hạ Long và khu nhà ở công nhân tại thị xã Quảng Yên.
Ông Huang Jinxing, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh, những nỗ lực cải cách hành chính và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Ninh cũng như sự đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp là lý do doanh nghiệp này quyết định lựa chọn đầu tư triển khai dự án mới tại tỉnh.
Ngày 24/7/2021, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp Sông Khoai, động viên và cam kết tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp tục triển khai đầu tư.
"Chúng tôi cam kết sẽ nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm 2021, chậm nhất là tháng 1/2022", ông Huang Jinxing nói.
Với quan điểm, phương châm hành động "hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", tiếp tục hiện thực hóa cam kết với nhà đầu tư chiến lược - Tập đoàn Amata (Thái Lan), tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong suốt quá trình, vòng đời thực hiện dự án để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, là động lực cho phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện rõ nét qua nghị quyết đầu tiên của Quảng Ninh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Quan điểm của tỉnh này là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh, ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên. Các dự án sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với Jinko Solar Hong Kong Limited, nhiều tập đoàn lớn nhanh chóng quyết định đầu tư tại Quảng Ninh như Foxconn, Thành Công...
Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông động lực.