Kể chuyện nông thôn qua Dòng đời trôi

Tính về đầu sách, Dòng đời trôi là tập sách thứ tư đã xuất bản của Mạnh Hoài Nam, là tập thứ hai về truyện dài và tiểu thuyết. Đây là một quá trình cần mẫn gieo hạt trên cánh đồng văn chương ở địa hạt văn xuôi của Mạnh Hoài Nam trong những năm gần đây.

Tác giả Mạnh Hoài Nam. Ảnh: CTV

Tác giả Mạnh Hoài Nam. Ảnh: CTV

Vẫn với giọng văn đặc sệt xứ Nẫu không trau chuốt, Mạnh Hoài Nam đã dẫn dắt người đọc đi từ ngoại cảnh đến nội tâm con người nơi đây. Nếu ai thích những gì gần gũi gắn bó ở miền quê qua giọng văn mang hơi hướng hương đồng gió nội, có thể tìm thấy từ những trang viết của Mạnh Hoài Nam những cách nhìn, cách nghĩ đậm đà bản sắc nông thôn và nông dân ở làng quê xứ Nẫu - Phú Yên. Dòng đời trôi là tiểu thuyết đậm chất tự sự như thế.

Không gian trong Dòng đời trôi khởi đầu ở một làng quê miền núi khá ấn tượng với cồn Cô Bác, rồi tác giả đưa đẩy số phận các nhân vật trôi dạt về các làng chài miền biển từ Sông Cầu đến Vũng Rô. Nếu thêm vùng đồng bằng miền xuôi nữa thì đây sẽ là một bức tranh toàn cảnh về không gian Phú Yên được đề cập trong tập sách.

Tuyến nhân vật được xây dựng khá đơn giản, dễ theo dõi trong mạch truyện: Đời cha mẹ với hai gia đình chung vách ở miền núi, một nhà có mẹ và con trai, nhà kia có ba và con gái (thêm một trai đã lấy vợ, ra riêng). Tuy hai bên cha và mẹ có tình ý nhưng không đến được với nhau vì quá e dè, rồi sau đó người cha dắt con ra đi khỏi làng với lý do khá… lãng nhách: sợ con gái mình phải lòng con trai nhà bên, mình làm sui gia thì phải kêu mẹ nó bằng chị (!). Đến đời con và đời cháu sống ở miền biển thì câu chuyện có phần phức tạp hơn: đời cháu ra đời không được ba nó (đời con) công nhận bởi là con ngoài giá thú, sau cháu thành đạt (làm nhà báo) quay về quê cũ thì ba đã qua đời. Truyện kết thúc ở đấy.

Trong tả cảnh, không cầu kỳ chải chuốt, văn Mạnh Hoài Nam vẫn đọng lại trong người đọc bởi đã thổi hồn được vào cảnh vật. Phải gắn bó lắm với miền quê mới có những đoạn như thế này: “Phía ngoài soi trồng đậu phộng sát mé sông có cồn cát biết “chạy”. Mùa lụt năm trước nổi lên ở phía trên, qua mùa lụt năm sau “chạy” xuống phía dưới. Ban đầu chỉ là cồn cát, vì cát linh thiêng biết “chạy”, người trong xóm chắp tay lạy “sinh ra”… cồn Cô Bác.

Trong xóm, có người bị cảm thương hàn, đau mắt, đầu hôm gà gáy chạy ra cồn Cô Bác góp nồi lá xông, hái lá lốt…

Hàng tre che mát cồn Cô Bác, từ đây chạy dài vô soi đậu phộng, mấy năm lụt lớn tưởng cồn Cô Bác “chạy” đi luôn nhưng hàng tre níu lại. Phía dưới hàng tre, bụi cây nhãn, ổi, rù rì, kiên trì đứng chịu mắc rập (khuất ánh mặt trời), trưa ngồi ở đây như tủ lại mấy lớp bóng mát. Mấy đứa nhỏ trong xóm ra cồn Cô Bác chơi”.

“…cha dắt nó ra cồn Cô Bác bẻ măng tre. Má thằng Cò chỉ bí quyết bẻ măng. Bẻ mụt măng từ dưới đất cao đến dưới đầu gối, khi bẻ sát gốc, tre ra mụt măng khác.

Còn măng cao đến ngang bụng mà thò tay bẻ là mang ác, vì khi bẻ phần non ở trên, còn chừa lại phía dưới gốc, tre tiếp tục ra lá, cây tre đó bị tật nguyền.

Bìa sách Dòng đời trôi.

Cồn cát biết chạy, rồi hàng tre níu lại; việc bẻ măng không đúng cách sẽ làm cho cây tre tật nguyền, còn người bẻ thì mang ác… đã cho thấy cảnh vật và cỏ cây cũng có một đời sống như con người. Những chi tiết này làm cho ta thấy được sự nâng niu của tác giả như thế nào đối với hồn vía của cảnh vật quê hương.

Những trang miêu tả khá sinh động và am hiểu về tính cách người miền quê thật chân chất và gần gũi. Tâm lý nhân vật thiếu nhi ở miền quê cũng thật dễ thương khi tác giả khắc họa sự ngây thơ buồn cười của chúng: “Hôm bữa Trang lượm cục tiền bó bằng dây thun to bằng ngón chân cái, Trang đem đến ông trưởng thôn nhờ trả lại cho người mất. Ông trưởng thôn hỏi sao không đưa cho ba mang đến, nó nói sợ ba giữ lại. Ông trưởng thôn cười, con nhỏ đánh giá ba nó… quá tay”.

Giọng văn mộc, chân chất kiểu thật thà như đếm của Mạnh Hoài Nam lại là đặc sản để miêu tả về cảnh quê, người quê và các hoạt động nơi làng quê thanh bình.

Ngôn ngữ địa phương là thế mạnh để tạo dấu ấn riêng, nhưng cũng là thế yếu của Mạnh Hoài Nam khi người ngoài tỉnh sẽ khó hiểu vì không có chú thích. Ở đây, tôi lại rất thích những từ ngữ và cách nói (diễn đạt) riêng đã tạo nên bản sắc địa phương này khi tác giả xây dựng nhân vật nơi đây. Có thể chọn ra một số từ tiêu biểu: “Mới bây lớn mà xảnh xẹ, nói dữ dằn chưa”; “đám mía Hai Thái thưa rỉnh thưa rảng”; “Nấu nồi canh ngọt lủng nồi, chớ hờ (không hề) cho nửa chén?”; “Hai Thái chê thằng Cò không còn trăm gram nào”; “nước từ sông nhẫy (tràn) vô bồi đắp phù sa”; “Hai Thái nói giọng bồn rền (trầm vang) như loa thùng”; “Hai Thái cười sượng trân (quê, thẹn)”…

Những ai yêu làng quê và cuộc sống nông thôn với những mảnh đời như Hai Thái (Hai Lon), Cò (Tài), Trang, Thu…, với công việc trồng dâu nuôi tằm, thả lồng nuôi tôm, nuôi và buôn bò ở miền quê với bao bất ổn và thiên tai rình rập… sẽ bắt gặp những trang văn rất chi tiết và thông thạo của tác giả về những ngành nghề này trong tác phẩm.

Đặt tên tác phẩm là Dòng đời trôi, có lẽ tác giả muốn vẽ một bức tranh 3 thế hệ nối tiếp nhau trong dòng chảy cuộc đời: đời cha mẹ đầu tắt mặt tối với gam màu sẫm, đời con vất vả nhưng gam màu đã sáng hơn, đời cháu thì gam màu tươi tắn giống như “sau cơn mưa trời lại sáng”. Người đọc sẽ thấy buồn vui xen lẫn vì dòng đời vốn vậy, và thông điệp tác phẩm đem lại có lẽ không ngoài câu nói của ông bà ta xưa: “Sông có khúc - Đời có lúc”.

Tác giả Mạnh Hoài Nam (bút danh La Hai, Trâm Trân) sinh năm 1973, quê ở Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, hiện là phóng viên Báo Phú Yên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Anh đã ra mắt bạn đọc tập tản văn Về lại Ô Loan (NXB Hội Nhà văn, năm 2016), tập truyện dài Thôn “9 hóc” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, năm 2020), tập truyện ngắn Yêu lắm Cù Mông (NXB Văn hóa - Văn nghệ, năm 2020) và mới đây là tiểu thuyết Dòng đời trôi (NXB Đà Nẵng).

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/283130/ke-chuyen-nong-thon-qua-dong-doi-troi.html