'Kể chuyện' về cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò và những người cộng sản kiên trung

Trưng bày chuyên đề chủ đề 'Bàng ơi...!' giới thiệu nhiều câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò; tri ân công lao, tưởng nhớ các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò được Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Cùng với trưng bày chuyên đề “Bàng ơi…!”, người xem có dịp tìm hiểu nhiều câu chuyện xúc động về những người cộng sản kiên trung gắn liền với cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò. Trong đó, phần I chủ đề “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò” giúp công chúng hiểu hơn về những “cây bàng hiệp sĩ” tại di tích quốc gia đặc biệt này.

Thiết kế trưng bày chuyên đề "Bàng ơi...!" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Thiết kế trưng bày chuyên đề "Bàng ơi...!" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Theo đó, từ trước năm 1930, những tù nhân phải lao dịch đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non, xin được trồng để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại. Theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò. Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Ở sân trại nữ, nơi đây còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp xuống. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập Chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò.

Cành bàng được chế tạo thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Vỏ bàng được những người tù ngày ấy dùng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả. Lá bàng được coi là nguồn dược liệu quý. Lá bàng non được dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Lá bàng bánh tẻ được hơ nóng, rồi chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ. Quả bàng được nhặt về, chia cho những người bị đau ốm…

Góc trưng bày "Những lá bàng in thơ".

Góc trưng bày "Những lá bàng in thơ".

Ký ức một thời gian lao mà anh dũng ấy được tái hiện qua các trích đoạn chuyện kể của nhiều người tù chính trị từng bị giam giữ ở đây, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh… Đến nay, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng với những sản phẩm đặc trưng từ bàng như trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò, những lá bàng in thơ do các chiến sĩ cách mạng sáng tác… tiếp tục được gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa đối với người dân và du khách.

Phần II chủ đề “Bàng ơi…!” giới thiệu về cây bàng ở nhiều địa chỉ đặc biệt khác, trong có những cây chuyện về cây bàng gắn liền với những người cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo, cây bàng vuông ở đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng như: Mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020)… Tất cả, tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của Bàng.

Góc trưng bày chuyên đề "Bàng ơi...!".

Góc trưng bày chuyên đề "Bàng ơi...!".

Điểm nhấn trong trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Ngoài ra, khu vực khối chữ “BÀNG ƠI!” với kích thước nổi bật, màu sắc đan xen, sẽ là điểm chụp ảnh check-in thú vị cho du khách. Trong trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò. Trưng bày được phục vụ người dân và du khách từ ngày 8/10 – 31/12 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

N.Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/ke-chuyen-ve-cay-bang-trong-nha-tu-hoa-lo-va-nhung-nguoi-cong-san-kien-trung-i745881/