Sau khi thế chiến II kết thúc, trong hơn bốn thập kỷ sau đó, các sĩ quan quân đội của Mỹ và Liên Xô liên tục xây dựng các kế hoạch chiến tranh tổng lực, có sử dụng vũ khí hạt nhân giữa hai khối quân sự NATO và Warsaw.
Mặc dù các đời tổng thống của Mỹ lên nắm quyền, đều tuyên bố giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự của Mỹ, nhưng hành động họ làm là hoàn toàn ngược lại; đặc biệt là đời Tổng thống Reagan, khi ông còn triển khai chiến tranh hạt nhân lên vũ trụ.
Đối với Liên Xô, cũng giống như Mỹ, họ cũng cần giành ưu thế trước đối thủ Mỹ và NATO trong một cuộc chiến tổng lực. Khi Stalin còn sống và trong suốt thập niên 1950, liên minh quân sự Warsaw duy trì một thế trận phòng thủ gần như hoàn toàn, nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên khỏi sự xâm lược của phương Tây.
Tại sao Liên Xô khi đó phải “nhún nhường” như vậy, lý do là ưu thế hạt nhân khổng lồ của Mỹ vào thời điểm đó (năm 1949 Liên Xô mới thử thành công vũ khí nguyên tử). Các kế hoạch chiến tranh của Liên Xô lúc này cũng không đề cập việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng Mỹ thì ngược lại.
Chỉ sau khi lãnh đạo Stalin qua đời, và cụ thể là vào thập niên 1960, Liên Xô mới xây dựng các kế hoạch chiến tranh mới. Đây là một cuộc tấn công có tính chất quyết định và được hình dung là một cuộc tấn công kiểu chớp nhoáng, cho phép Hiệp ước Warsaw đánh chiếm hầu hết Tây Âu trong vài ngày.
Lúc này tiềm lực vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã đuổi kịp Mỹ; do vậy không có gì ngạc nhiên, khi các sĩ quan tác chiến của Liên Xô đã tìm cách tích hợp việc sử dụng tự do vũ khí nguyên tử với sức mạnh quân sự thông thường đáng gờm của khối Hiệp ước Warsaw.
Cụ thể, các nhà hoạch định chiến tranh của Liên Xô đã dự đoán rằng Mỹ và các đồng minh của họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ồ ạt ngay từ đầu trong cuộc xung đột (dự đoán này là đúng đắn). Do đó, Liên Xô sẽ chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân trước, để bảo vệ lãnh thổ của Liên Xô và Khối Hiệp ước Warsaw.
Từ lý do trên, vũ khí hạt nhân là một phần trọng tâm trong chiến lược đánh chiếm toàn bộ Tây Âu của Liên Xô. Theo các tài liệu đã được giải mật, chỉ tính riêng ở mặt trận phía Bắc, Liên Xô có kế hoạch sử dụng 189 vũ khí hạt nhân, gồm 177 tên lửa và 12 quả bom có công suất từ 5 đến 500 kiloton.
Vũ khí hạt nhân cũng sẽ được sử dụng nhiều ở các mặt trận miền Trung và miền Nam châu Âu. Các vũ khí hạt nhân lớn hơn sẽ được sử dụng để phá hủy các thành phố lớn ở Tây Âu, bao gồm Hamburg, Bonn, Munich và Hannover ở Tây Đức; Rotterdam, Utrecht và Amsterdam ở Hà Lan; Antwerp và Brussels ở Bỉ.
Không ít hơn hai vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng để phá hủy thành phố Copenhagen, và tổng cộng năm vũ khí hạt nhân cũng sẽ được sử dụng trên chiến trường Đan Mạch. Một số thành phố của Italia cũng sẽ là mục tiêu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngay cả Áo, vốn là một quốc gia trung lập trong Chiến tranh Lạnh, cũng sẽ không tránh khỏi sự hủy diệt của vũ khí nguyên tử. Các kế hoạch chiến tranh của Liên Xô, tính toán thả hai quả bom nguyên tử (mỗi quả khoảng 500 kiloton) xuống Thủ đô Vienna.
Ngoài việc phá hủy các thành phố lớn và các trung tâm dân cư, các kế hoạch chiến tranh của Liên Xô cũng xây dựng kịch bản sử dụng tự do vũ khí hạt nhân chiến thuật, chống lại các mục tiêu quân sự của NATO.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội của Mỹ, Liên Xô đã triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật tại gần 600 căn cứ, một số đặt tại các quốc gia thuộc Khối Warszawa ở Đông Âu và phần lớn trên toàn lãnh thổ Liên Xô.
Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, theo đánh giá của tình báo Mỹ, Moscow sở hữu khoảng 20.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, và số lượng có khả năng cao hơn con số này trong những năm trước đó.
Theo một tài liệu được giải mật, theo một kịch bản kế hoạch chung Liên Xô-Hungary, trong những ngày đầu của cuộc chiến, khối Hiệp ước Warsaw sẽ phóng 7,5 megaton vũ khí hạt nhân vào các mục tiêu phương Tây.
Phía ngược lại, Mỹ và các đồng minh NATO cũng có những hành động tương tự. Nhóm Nghiên cứu Răn đe hạt nhân của Anh đã kết luận rằng, chỉ riêng Anh đã có ý định thả khoảng 40 quả bom hạt nhân xuống lãnh thổ Liên Xô, trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Tất nhiên, Mỹ sẽ vượt qua con số đó rất nhiều. Các kế hoạch chiến tranh hạt nhân của Mỹ được tổ chức theo Kế hoạch Hành động tổng hợp - đơn lẻ (SIOP), được lập lần đầu tiên vào năm 1960. Mặc dù SIOP là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ, nhưng một số thông tin về các SIOP sớm nhất đã được giải mật.
Những điều được tiết lộ trong SIOP cho thấy rằng, ngay từ đầu trong Chiến tranh Lạnh, một cuộc tấn công SIOP hạt nhân hoàn toàn được phát động trên cơ sở phủ đầu, sẽ phóng hơn 3.200 vũ khí hạt nhân tới 1.060 mục tiêu ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước đồng minh ở châu Á và châu Âu.
Điều khiến học thuyết chiến đấu của Liên Xô khác với NATO là ở chỗ, Moscow tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ chỉ là một phần của cuộc giao tranh, và thậm chí không nhất thiết phải là yếu tố quyết định.
Còn đối với Mỹ và các đồng minh của họ, việc sử dụng một lượng lớn vũ khí hạt nhân ít nhiều đã ảnh hưởng đến mức độ của cuộc giao tranh, với mức độ tàn phá lớn mà nó sẽ gây ra. Nguồn ảnh: TheArchive.
Tên lửa hạt nhân nguy hiểm nhất trong tay Mỹ - thứ vũ khí sẽ nhấn chìm nhân loại trong biển lửa. Nguồn: USAF.
Tiến Minh