Kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền

Với mục tiêu không để mất đi một bài thuốc hay, một cây thuốc quý, trong những năm qua Hội Đông y các cấp trong tỉnh đã tích cực động viên các lương y, ông lang, bà mế giỏi, những người có bài thuốc hay, cây thuốc quý của gia đình, dòng tộc truyền dạy, kế thừa bằng nhiều hình thức cho những người tâm huyết với nghề. Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bà Tướng Thị Minh (ở giữa), xã Hùng Đức (Hàm Yên) hướng dẫn cách sử dụng
thuốc đông y cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Bình, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) với bài thuốc chữa rắn cắn, bỏng, ổ hoại tử, lở loét ngoài da… được lưu truyền trong gia đình vô cùng hiệu quả và được nhiều người biết đến. Các bài thuốc của lương y Bình là sự kết hợp giữa các thành phần, gồm các loại thảo dược lành tính được hái từ núi, rừng, sau đó về băm nhỏ, phơi khô và bảo quản trong túi ni lông, tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Khi sử dụng bài thuốc này gồm 3 bước: Ngâm, rửa và đắp. Anh Nguyễn Văn Khương, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chia sẻ, trước anh bị rắn hổ mang bành cắn. Được bạn bè giới thiệu, anh đã đến điều trị bằng thuốc đông y của lương y Bình. Sau vài ngày điều trị vết thương cải thiện nhanh, sau 1 tháng anh khỏi hoàn toàn.

Còn bà Phan Thị Thi, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) với bài thuốc chữa thận, gan, xuất huyết ngoài da; ông Đàm Thế Long, xã Văn Phú (Sơn Dương) có bài thuốc chữa suy nhược cơ thể, phụ nữ hao mòn sau sinh; ông Phạm Xuân Đương, xã Bình Xa (Hàm Yên) với bài thuốc chữa thận, gan, khớp… Các ông lang, bà mế sẵn sàng chia sẻ, truyền lại cho các hội viên của Hội Đông y bài thuốc gia truyền để nhiều người biết đến và sử dụng. Từ những bài thuốc được sưu tầm, kế thừa gia truyền trong họ tộc, từ các hội viên trong Hội, các ông lang, bà mế đã phát huy tốt các bài thuốc quý chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.

Bác sỹ Trần Mai Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh cho biết, Hội Đông y tỉnh hiện có 2.064 hội viên hoạt động tại 133 chi hội đông y xã, phường, thị trấn. Đến nay, hội đã tập hợp được 295 bài thuốc hay, cây thuốc quý của hội viên, các ông lang, bà mế có giá trị chữa bệnh. Mỗi năm, các cấp hội đã khám, điều trị cho trên 500 nghìn lượt người, thực hiện được trên 300 nghìn thủ thuật và sử dụng gần 400 nghìn thang thuốc. Từ đó góp phần hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Lương y Nguyễn Nga, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) nói, các hội nghị tâm đắc, kế thừa rất có ý nghĩa, người biết nhiều chia sẻ cho người biết ít; các lương y, ông lang, bà mế trao đổi kinh nghiệm trong việc hành nghề y; phát huy, phổ biến những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm của bản thân. Mục đích cao nhất là lưu giữ tinh hoa y học cổ truyền để phục vụ tốt cho người bệnh.

Gìn giữ, kế thừa tinh hoa, kinh nghiệm chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đòi hỏi quá trình lâu dài, kiên trì và cần nhiều tâm huyết. Bằng việc tự nguyện chia sẻ các bài thuốc hay, cây thuốc quý gia truyền của gia đình, những năm qua, hoạt động của ngành Đông y tỉnh đã góp phần cùng với ngành Y tế tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/ke-thua-va-phat-huy-tinh-hoa-y-hoc-co-truyen-122120.html