Kết nối hiệu quả giữa nhà chăn nuôi và doanh nghiệp

Những năm qua, ngành gia cầm góp phần giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân và còn đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Với vai trò quan trọng của ngành gia cầm đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, sự ra đời của Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA) là nhu cầu nội tại, xu thế tất yếu, khách quan của nền kinh tế thị trường.

Hơn 20 năm qua, VIPA đã "thay da đổi thịt", để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tạo môi trường giao lưu, hợp tác, chia sẻ giữa các doanh nghiệp (DN) hội viên; hỗ trợ thúc đầy đầu tư, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các DN trong và ngoài hiệp hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, thời gian qua, VIPA luôn sát cánh và đồng hành cùng với các DN hội viên trong những thời điểm thuận lợi và khó khăn. Hiệp hội đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp DN ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: hỗ trợ kịp thời thông tin về sản xuất, thị trường trong và ngoài nước cho các hội viên. VIPA thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, thương mại chăn nuôi trong nước và trên thế giới cho các DN, đơn vị hội viên tham khảo xây dựng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. VIPA hỗ trợ các DN, đơn vị về công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và cập nhật thông tin đa dạng về chính sách, quy định mới; tình hình sản xuất; giá cả; xu hướng phát triển của ngành gia cầm…

Quang cảnh Đại hội đại biểu Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029.

Cùng với đó, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Là Hiệp hội ngành hàng lớn trong nông nghiệp với sự tham gia của nhiều DN, HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm. Vì vậy, VIPA xác định trách nhiệm chính của Hiệp hội là kết nối, hỗ trợ các DN, đơn vị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và không ngừng phát triển.

VIPA vừa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2024-2029) và kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển. Tại đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành VIPA khóa V, nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 48 thành viên, ban thường vụ 27 thành viên. Ông Nguyễn Thanh Sơn tái đắc cử chức Chủ tịch Hiệp hội; ông Phạm Kim Đăng, Lê Văn Dư, Nguyễn Quý Khiêm, Nguyễn Hữu Vinh, Trịnh Quang Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Ông Sơn chia sẻ, trong bối cảnh ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Hiệp hội luôn bám sát tình hình, sát cánh cùng các DN, kịp thời có nhiều đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người chăn nuôi. Cụ thế, VIPA đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Đáng chú ý như: hội nghị bàn và thống nhất kiến nghị 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.

Trong đó, có các biện pháp siết chặt công tác phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới, hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm chính ngạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, kiểm dịch cho DN... Ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị chính thức của Hiệp hội, Chính phủ và các bộ ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công An, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính...) đã vào cuộc quyết liệt, ban hành hàng loạt công điện, văn bản chỉ đạo...

Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực là tổ chức liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh giao thương nội khối. VIPA đẩy mạnh giao thương nội khối, nhằm từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng của các DN. Thành lập một số nhóm giao thương nội khối.

Trong đó, có các nhóm DN sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ, chế biến đã và đang liên kết với nhau như: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, Công ty TNHH Thú y Xanh Việt Nam (Greenvet), Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet), Công ty VMC Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty De Heus, Công ty Belga, Công ty TNHH San Hà, Công ty Thuốc thú y Á Châu...

Ông Sơn cho biết, hàng quý, hàng năm, VIPA kết nối giữa các DN để triển khai hoạt động giao thương nội khối và hợp tác chiến lược. Kết quả, các DN cung ứng nhiều hơn các sản phẩm như thuốc thú y, vắc xin, thức ăn chăn nuôi cho các DN, HTX chăn nuôi thuộc VIPA với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý.

Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 95% sản phẩm thuốc thú y, vắc xin, 70% thức ăn chăn nuôi, 60% con giống và các sản phẩm gà thịt, trứng đã được mua bán trao đổi trong nội khối của VIPA. Việc đẩy mạnh giao thương nội khối theo chuỗi giá trị đang tạo cơ hội lớn để các bên liên quan thương lượng, thống nhất về cơ chế lợi nhuận, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, có chất lượng, giá thành giảm, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm gia cầm cũng được quan tâm và triển khai thường xuyên. Nhất là vào các thời điểm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số hoạt động quan trọng gây được tiếng vang và ảnh hưởng lớn mà VIPA đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện.

Hàng quý, hàng năm, VIPA kết nối giữa các DN, nhà chăn nuôi để triển khai hoạt động giao thương nội khối

Hàng quý, hàng năm, VIPA kết nối giữa các DN, nhà chăn nuôi để triển khai hoạt động giao thương nội khối

Đơn cử, tham gia tổ chức lễ hội gà tại tỉnh Bình Định. Đây là lễ hội quảng bá sản phẩm gà Việt lần đầu tiên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng VIPA tổ chức. Lễ hội là cơ hội để quảng bá và vinh danh các sản phẩm gia cầm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm tới người tiêu dùng trong nước và khách hàng nước ngoài, nhằm kích cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hay như, tổ chức Ngày Trứng thế giới (World Egg Day), quảng bá sản phẩm trứng nhân ngày trứng thế giới thông qua hội thảo trực tuyến tại Hà Nội và trong khuôn khổ hội chợ triển lãm Vietstock tại TP. Hồ Chí Minh nhằm quảng bá giá trị dinh dưỡng của trứng và góp phần thúc đẩy tiêu thụ trứng tại Việt Nam...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp, VIPA kiến nghị Quốc hội, các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước đối với hội, hiệp hội. Thể chế hóa các mối quan hệ phối hợp công tác giữa Hiệp hội ngành hàng với các cơ quan quản lý Nhà nước; cần sớm ban hành Luật về Hội, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động của các hội, hiệp hội.

Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Cần xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện pháp lý để các hiệp hội có thể tham gia cung cấp các dịch vụ công trong một số lĩnh vực. Có quy định rõ quy trình lấy ý kiến từ các hiệp hội có liên quan, khi các bộ, ban, ngành xây dựng, ban hành văn bản chính sách mới…

Thái Hòa

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ket-noi-hieu-qua-giua-nha-chan-nuoi-va-doanh-nghiep-156247.html