Kết nối hơn 260 HTX và doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cho TPHCM
Chiều 23/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc phân 'luồng xanh' đã có hiệu quả trong cung ứng lương thực cho TPHCM. Tổ công tác của Bộ NN&PTNT tại TPHCM cũng đã kết nối được hơn 260 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) cung ứng, tiêu thụ nông sản với đầy đủ thông tin cho người dân và DN đầu mối tại TPCHM.
Thông tin rõ hơn về việc phân “luồng xanh” cho cung ứng thực phẩm hiện nay của TPHCM, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Sau hàng loạt kiến nghị, giải pháp của Bộ NN&PTNT, hệ thống “luồng xanh” đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, một số chốt vẫn quy định khác nhau, ảnh hưởng đến “luồng xanh” vận chuyển nông sản từ các tỉnh về TPHCM. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Y tế thống nhất quy định trong vận chuyển, lưu thông nông sản để không còn vướng mắc, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản được thuận lợi nhất”.
Xung quanh câu chuyện lực lượng chức năng của các địa phương phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16 xác định như thế nào là “hàng hóa thiết yếu” để người dân có thể lưu thông và tiếp cận được theo nhu cầu, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp, những gì gắn với sản xuất là phải được lưu thông để bảo đảm chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Có người bảo thức ăn chăn nuôi, phân bón, bánh mì không phải thiết yếu nhưng quan trọng là phải lắng nghe yêu cầu của sản xuất, nhu cầu của người dân. Nếu thiếu cây-con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thì bà con làm sao duy trì sản xuất?”
Việc xử lý linh hoạt theo tình hình của từng địa phương hiện rất cần cho người dân nên ngay sau khi có những hiện tượng xác định không đúng các hàng hóa thiết yếu, Bộ NN&PTNT đã có yêu cầu các địa phương cụ thể hóa các danh mục này. Thứ trưởng Tiến cho biết, địa phương đầu tiên cụ thể hóa danh mục này là TP. Cần Thơ, sau khi danh mục được ban hành thì việc ưu tiên “luồng xanh” diễn ra hết sức thuận lợi.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản vì việc duy trì sản xuất lúc này rất quan trọng.
Về vấn đề sản xuất nông sản tại ĐBSCL hiện nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ nông sản. “Tổ công tác của Bộ NN&PTNT tại miền Nam đã kết nối được hơn 263 HTX, DN cung ứng, tiêu thụ nông sản với đầy đủ thông tin. Ngay sau khi thông tin về các đơn vị này được báo chí đăng tải, đã có HTX ở Thủ Thừa, Long An ký được đơn hàng 15 tấn rau, củ cung cấp cho một chuỗi thực phẩm”, Thứ trưởng Tiến cho biết.
Để bảo đảm tình hình sản xuất hiện nay tại ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đề nghị các nhà máy chế biến nông sản phải siết chặt việc giám sát, phòng ngừa dịch bệnh. Các nhà máy tại khu vực này đang thực hiện phương châm "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu đề xuất: “Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở tố chức kiểm soát công nhân, các địa phương hỗ trợ kinh phí test nhanh cho những người tham gia chuỗi”.